Tin địa phương

Ngư dân ra khơi giữ biển

Trước thông tin gần 2 vạn tàu cá và ngư dân Trung Quốc tràn xuống Biển Đông khai thác hải sản sau khi kết thúc lệnh cấm biển phi pháp của Trung Quốc đối với một số vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, ngư dân cả nước nói chung, miền Trung nói riêng rất bức xúc. Với quyết tâm khẳng định chủ quyền, giữ vững ngư trường truyền thống, ngư dân miền Trung khẩn trương ra khơi bám biển.

Hàng loạt tàu Đà Nẵng chờ đến phiên bốc đá lên tàu để ra khơi.

Những ngày qua, tại âu thuyền Thọ Quang, không khí hết sức rộn ràng. Ở khu vực gần cầu Mân Quang - nơi tàu thuyền tập trung lấy đá và nhiên liệu, hàng chục tàu cá từ Đà Nẵng đến các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định xếp hàng chờ bốc đá lên tàu.

Ông Bình (tàu cá ĐNa 90275) khẩn trương chỉ đạo các thuyền viên phối hợp với nhân viên của Nhà máy đá Văn Thông bốc đá lên tàu. Ông Bình cho biết, ngư dân hối hả mong ra khơi sớm. Sau khi lấy đá cùng nhiên liệu, thực phẩm, ông sẽ cho tàu ra khu vực phía tây vùng biển Hoàng Sa để khai thác hải sản.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều thuyền viên tàu ĐNa 90275 đều bất bình trước hành động tập trận của Trung Quốc ở khu vực biển Hoàng Sa cũng như hành động cho hàng vạn tàu cá và ngư dân tràn xuống Biển Đông để khai thác. “Tàu Trung Quốc to lắm, mỗi lần khai thác lượng hải sản lớn gấp nhiều lần tàu ngư dân chúng ta”, một ngư dân tàu ĐNa 90275 nói.

Anh Lê Văn Nở (quận Sơn Trà) có tàu đang neo đậu sát tàu ông Bình cho biết, hôm nay (6-9) tàu lấy đá, nhiên liệu, chiều 7-9 sẽ ra khơi. “Hằng năm cứ đến thời điểm này, tàu Trung Quốc tràn xuống Biển Đông rất nhiều.

Tàu họ quá lớn, mình không để đánh bắt sát với họ được. Vì vậy, đợt ra khơi này sẽ gặp rất nhiều khó khăn về nguồn hải sản. Tuy nhiên, không thể không ra khơi, bởi phải đi để góp phần khẳng định chủ quyền của mình”, anh Nở chia sẻ.

Ngư dân Đà Nẵng khẩn trương bốc đá lên tàu, chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Ảnh: NGỌC PHÚ

Sau khi lên đà sửa chữa theo định kỳ, ngày 5-9, tàu ĐNa 90026 của ông Lê Văn Xin (quận Sơn Trà) khẩn trương chuẩn bị ngư lưới cụ. Trao đổi với chúng tôi, ông Xin cho biết ngày 9-9 sẽ cho tàu ra khơi.

“Để bảo đảm an toàn, ngư dân Sơn Trà nói riêng và Đà Nẵng nói chung sẽ hoạt động theo nhóm để hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình đánh bắt. Chúng tôi quyết tâm bám biển để giữ ngư trường”, ông Xin khẳng định. Được biết, đợt ra khơi tới, nhóm khai thác của ông có khoảng 5 tàu làm cùng ngành nghề và hoạt động tại phía tây ngư trường Hoàng Sa.

Ngoài hàng chục tàu Đà Nẵng, nhiều tàu cá Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… cũng khẩn trương chuẩn bị ra khơi. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho biết, Hội Nghề cá thành phố khuyến cáo ngư dân không nên đến gần khu vực có nhiều tàu của Trung Quốc.

Để an toàn, khi ra biển, ngư dân nên đi theo nhóm để cùng đánh bắt và bảo vệ lẫn nhau khi có sự cố xảy ra. Hội cũng luôn sát cánh cùng các ngành chức năng để theo dõi, thông tin kịp thời với ngư dân, cảnh báo sớm đối với các tàu có dấu hiệu đi vào vùng biển của các nước trong khu vực...

Đại diện Chi đội Kiểm ngư 3 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng tại Đà Nẵng) cho biết, lực lượng kiểm ngư ngày đêm làm nhiệm vụ, sát cánh cùng ngư dân để bà con yên tâm bám biển.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng, Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng cũng triển khai hệ thống thông tin liên lạc 24/24 giờ để hỗ trợ ngư dân. Riêng lực lượng cứu nạn của Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II - Danang MRCC sẵn sàng lên đường bất cứ khi nào ngư dân yêu cầu cứu nạn.

Tác giả: NGỌC PHÚ

Nguồn tin: Báo Đà Nẵng

  Từ khóa: thuyền viên , đà nẵng , ngư dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP