Tin địa phương

Ngân hàng Nam Việt bị tố tiếp tay chiếm tài sản bảo lãnh

Cho rằng Bản án phúc thẩm số 13/2011/KDTM-PT ngày 26/12/2011 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp gia đình mình, 9 năm qua ông Võ Văn Vui (trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã nhiều lần làm đơn đề nghị giám đốc thẩm và làm đơn kêu cứu

Ông Võ Văn Vui có nguy cơ mất nhà vì cả tin cháu và Ngân hàng

Khốn khổ vì mang nhà đất bảo lãnh cho cháu

Theo ông Vui, thông qua mối quan hệ của bà Võ Thị Kim Chung, là vợ ông Phạm Ngọc Tuấn (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tuấn Công; gọi ông Vui là chú ruột), nên vợ chồng ông Vui đã đứng ra bảo lãnh cho Công ty của cháu vay vốn Ngân hàng Nam Việt Chi nhánh Đà Nẵng.

Vợ chồng ông Vui đã dùng tài sản gồm nhà đất tại thửa đất số 89, tờ bản đồ số 20, tổ 6, phường Thuận Phước, thế chấp cho Ngân hàng; đồng thời ký Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để bảo đảm.

Ngày 2/4/2008, Tuấn Công và Nam Việt ký Hợp đồng tín dụng số 01-04/08/HĐTD-NH và Ngân hàng đã giải ngân cho Tuấn Công vay 700 triệu đồng, thời hạn vay 12 tháng (từ 2/4/2008 đến 2/4/2009).

Theo ông Vui, trong quá trình ký hợp đồng bảo lãnh ông không hề hay biết về việc Tuấn Công khi đó đang thua lỗ trên 3 tỷ. “Ngoài ra, Ngân hàng chỉ xét duyệt thông qua hồ sơ, không áp dụng Điều 94 Luật Tổ chức tín dụng, vì Công ty này đã phối hợp với Ngân hàng lập bảng hạch toán kinh doanh ảo với lãi ròng 40 triệu/tháng. Như vậy, Ngân hàng đã vi phạm Điều 412 Bộ luật Dân sự về các nguyên tắc thực hiện hợp đồng dân sự và Điều 132 Bộ luật Dân sự quy định trường hợp vô hiệu do bị lừa dối”, ông Vui nói.

Sau khi biết được sự việc, ông Vui đã hai lần làm đơn vào ngày 18/8/2008 và 20/10/2008 đề nghị Ngân hàng cho ngưng bảo lãnh và yêu cầu Ngân hàng khiếu kiện để thu hồi nợ trước hạn, nhằm ngăn chặn Tuấn Công tẩu tán tài sản sẽ thiệt hại đến tài sản bảo lãnh của ông Vui.

Đến ngày 5/11/2008 Nam Việt ra thông báo khiếu kiện đòi nợ trước hạn với Tuấn Công. “Căn cứ Điều 392 Bộ luật Dân sự về thay đổi rút lại đề nghị giao kết hợp đồng thì lúc này tôi đã hết trách nhiệm bảo lãnh. Tuy nhiên, mãi tới ngày 21/01/2011 Nam Việt mới khởi kiện. Như vậy, Nam Việt đã cố tình hỗ trợ cho Tuấn Công kéo dài thời gian (gần 27 tháng) để Tuấn Công tiếp tục tẩu tán hết tài sản”, ông Vui nói.

Căn cứ Điều 159 và 427 Bộ luật Dân sự thì lúc này Nam Việt đã hết thời hiệu yêu cầu khởi kiện. Thế nhưng, tại Bản án sơ thẩm số 18/2011/KDMT-ST của TAND TP Đà Nẵng và Bản án phúc thẩm số 13/2011/KDTM-PT ngày 26/12/2011 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, đều buộc ông Vui trả toàn bộ số nợ gốc và lãi, tổng số hơn 1,2 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là 700 triệu và nợ lãi là hơn 519 triệu (lãi tính đến ngày 10/8/2011).

Đồng thời, xử lý tài sản thế chấp để bão lãnh là tài sản thuộc quyền sở hữu của ông Vui và vợ là bà Văn Thị Thời. Trong trường hợp Tuấn Công không thanh toán được nợ thì tài sản bảo lãnh tức là nhà vợ chồng ông Vui sẽ được bán phát mãi để trả nợ thay Tuấn Công.

Một chứng cứ cho thấy dấu hiệu gian dối của Ngân hàng TMCP Nam Việt

Dấu hiệu vi phạm trong bản án phúc thẩm

Tại Bản án phúc thẩm vụ việc này nêu: “Xét thấy khi ông Vui có đơn yêu cầu Ngân hàng khởi kiện vào ngày 18/8/2008 thì ngày 02/12/2008 Ngân hàng đã khởi kiện Tuấn Công (kiện ra TAND quận Hải Châu). Nhưng sau đó, do ông Vui có đơn gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra yêu cầu khởi tố Phạm Ngọc Tuấn về hành vi lừa đảo, nên Tòa đã tạm đình chỉ giải quyết vụ kiện. Việc giải quyết vụ kiện kéo dài không phải do lỗi Ngân hàng”.

Thế nhưng nghịch lý ở chỗ, ngày 14/2/2012 TAND quận Hải Châu có Công văn số 21/2012/CV-TA xác nhận: “TAND quận Hải Châu không thụ lý đơn khởi kiện của Ngân hàng TMCP Nam Việt với Tuấn Công vào ngày 2/12/2008”. TAND quận Hải Châu không thụ lý vụ kiện thì không thể có Quyết định tạm đình chỉ như bản án phúc thẩm đã nêu.

“Tôi cho rằng để lách luật nhằm bảo vệ cho Nam Việt, do Nam Việt đã hết thời hiệu khởi kiện, nên thẩm phán đưa vào vụ án những hồ sơ không có thật, cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án, có dấu hiệu vi phạm hình sự theo Điều 300 Bộ luật Hình sự”, ông Vui nói.

“Dựa vào bản án vi phạm pháp luật trên, cơ quan chức năng đã ra quyết định cưỡng chế, kê biên và xử lý tài sản. Trước nguy cơ mất nhà, vợ chồng tôi đã bán sạch hết vật dụng trong nhà cùng với các tư trang đã dành dụm cho việc an dưỡng tuổi già, gom góp được 400 triệu đem nộp nhằm để tạm hoãn việc cưỡng chế, đồng thời chờ đợi việc xem xét giải quyết kháng nghị giám đốc thẩm của TAND Tối cao”, ông Vui nói.

Sau nhiều lần gửi đơn, ngày 13/1/2016 ông nhận được Thông báo số 77/TANDTC của TAND Tối cao, thông báo về việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn đề nghị giám đốc thẩm. Ông Vui đã 7 lần có đơn bổ sung và 10 lần làm đơn xin cứu xét, nhưng yêu cầu của ông vẫn chưa được chấp nhận”.

Vừa chăm vợ đang bị tai biến mạch máu não liệt nửa người, ông Vui lo lắng cho biết: “Chín năm nay, vợ chồng tôi vẫn từng ngày chờ đợi sự giải quyết của TAND Tối cao. Chúng tôi sống trong cảnh lo sợ nếu TAND Tối cao không xem xét giải quyết công tâm, đúng pháp luật thì gia đình có nguy cơ bị cưỡng chế mất nhà, không còn nơi cư trú, vì đây là căn nhà duy nhất của gia đình”.

Hiện vợ chồng ông tạm sống qua ngày nhờ vào số tiền mà vợ ông đang được chính quyền địa phương trợ cấp hàng tháng là 540.000 đồng cho người khuyết tật.

Tác giả: Thùy Nhung

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP