Tin địa phương

Hỗ trợ 200 triệu để lãnh đạo 'nhường ghế': Tiền có là tất cả?

Liệu rằng với chính sách hỗ trợ cao nhất là 200 triệu đồng, cán bộ lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có "nhường ghế" cho người trẻ hay không ? Và người trẻ liệu có làm tốt?



Trung tâm hành chính Đà Nẵng (trái, hình ngọn hải đăng) nơi làm việc của các sở ngành thành phố với hàng ngàn công chức, cán bộ và lãnh đạo. Ảnh Nguyễn Thành

Câu chuyện thành phố Đà Nẵng sắp trình HĐND thành phố thông qua nghị quyết về chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện nghỉ công tác để bố trí cán bộ trẻ đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Và liệu rằng với chính sách hỗ trợ cao nhất là 200 triệu đồng liệu cán bộ lãnh đạo thành phố này có nhường ghế cho người trẻ hay không ? Và người trẻ liệu có làm tốt?

Theo dự thảo của nghị quyết, ngoài việc hưởng chế độ trợ cấp theo quy định hiện hành, khi cán bộ (tuổi đời trên 55 tuổi đối với nam hoặc trên 50 tuổi đối với nữ) tự nguyện nghỉ công tác sẽ được hỗ trợ thêm một khoản kinh phí. Cụ thể, cán bộ Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy trở lên và các chức danh khác có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,05 trở lên được hỗ trợ thêm 200 triệu đồng. Cán bộ là Thành ủy viên; người đứng đầu các hội đoàn thể chính trị - xã hội; các cơ quan tham mưu giúp việc Thành ủy và tương đương; các sở, ban, ngành và tương đương; bí thư quận, huyện ủy và các chức danh khác có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên được hỗ trợ thêm 180 triệu đồng. Cấp phó của người đứng đầu UBMTTQVN thành phố và các hội đoàn thể chính trị - xã hội thành phố; các cơ quan tham mưu giúp việc Thành ủy và tương đương; các sở, ban, ngành; phó bí thư quận, huyện ủy; chủ tịch HĐND quận, huyện; chủ tịch UBND quận, huyện và các chức danh khác có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên được hỗ trợ thêm 140 triệu đồng. Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; Ủy viên Ban Thường vụ quận, huyện ủy; Phó chủ tịch HĐND quận, huyện; phó chủ tịch UBND quận, huyện và các chức danh khác có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,6 trở lên được hỗ trợ thêm 120 triệu đồng.

Ngoài ra, cán bộ là trưởng phòng và tương đương công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội cấp thành phố, quận, huyện có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,3 trở lên được hỗ trợ thêm 100 triệu đồng. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh thì được hưởng một mức hỗ trợ cao nhất.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một cựu cán bộ của Đà Nẵng cho rằng: phải nhìn nhận thẳng rằng với mức lương cơ sở hiện nay, thu nhập của cán bộ, lãnh đạo tất cả không phải đều từ lương mà còn từ “cái này cái nọ mà ra”. Do đó việc lấy thu nhập, mà cụ thể là số tiền hỗ trợ như trên để kêu gọi khuyến khích người cán bộ nghỉ việc nhường chức là rất khó. Nhưng nếu một người cán bộ có tai tiếng, bị kỷ luật, bị chèn ép muốn nghỉ thì quy định này rất phù hợp. Còn nếu một người ở một vị trí đó, nhưng có những khoản ngoài lương gấp nhiều lần thì chuyện hỗ trợ đó chẳng bõ bèn gì cả, dễ gì người đó rời ghế.

“Vấn đề phải có cơ chế nào đó để đưa những người không còn tác dụng trong bộ máy nhà nước ra ngoài, để đưa người tốt hơn vào thay thế, không phân biệt người trẻ hay người già. Có những người trẻ là con ông cháu cha không làm việc, vào bộ máy công quyền là để kiếm chác. Những trường hợp này mang danh cán bộ trẻ nhưng cũng chẳng có nghĩa lý gì. Việc kiện toàn bộ máy công chức nhằm sử dụng hiệu quả hơn, tốt hơn nhẹ nhàng, ít tốn ngân sách hiệu quả hơn cho nhân dân” vị này cho biết.

“Đi kiếm ăn bằng nghề công chức thì trẻ hay già cũng phải nhanh chóng đưa ra ngoài bộ máy. Còn lại những nếu người già, là cán bộ tốt, làm việc mẫn cán phục vụ nhân dân thì làm sao họ phải rời vị trí. Có nhiều người trẻ xông pha nhưng cũng có những người già mẫu mực. Nếu già là "có tội" thì làm sao có những vị tuổi đã về hưu nhưng vẫn giữ những vị trí cao của trong bộ máy của nhà nước. Nếu trẻ là tốt tại sao không đưa hết trẻ vào hoặc cho nghỉ hưu sớm mà lại đi tăng tuổi nghỉ hưu. Vấn đề vẫn là lòng nhiệt tình, sự mẫu mực , tinh thần phục vụ nhân dân có tốt hơn. Và để lại trong bộ máy những con người phục vụ nhân dân thì già hay trẻ cũng quý cả” vị này cho biết.

Trong khi đó, một cán bộ khác của Đà Nẵng đang đương chức, cho rằng: vấn đề sử dụng người như thế nào mới là việc quan trọng. Kẻ sỹ sống chết vì một nhân cách, sẵn sàng phục vụ hết lòng vì nhân dân, vì một minh chủ chứ không phải vì mấy đồng bạc. Vị này đơn cử, mức hỗ trợ cao nhất chỉ bằng một món quà biếu xén thì không có nghĩa lý đối với bổng lộc mà chức vụ tương đương mang lại.

“Ngay chính Đà Nẵng đã có những người trẻ, rất trẻ mới lên chức đã bị kỷ luật . Cũng có những “nhân tài” dù khuyến khích nhưng vẫn xin nghỉ. Việc kiện toàn bộ máy, câu chuyện người trẻ người già không có tội.”

“Quy định này là khuyến khích cho những người mà họ đã bị loại trong quá trình phe cánh, về nghỉ để an ủi khỏi thù hằn thì được. Chỉ giải quyết cho những người lớn tuổi rồi nhưng trong quá trình thanh lọc, quá trình đấu tranh không thể ăn ở với nhau, là có cái cớ để về, có chính nghĩa để về” vị này cán bộ này nhận định.

Theo dự thảo Nghị quyết¸ nguồn kinh phí thực hiện việc hỗ trợ được lấy từ ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và đơn vị sự nghiệp công lập (đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên) theo phân cấp. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên thực hiện chi hỗ trợ từ các nguồn thu hợp pháp của đơn vị. Nếu được kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX (từ ngày 9 đến ngày 12/7) thông qua, nghị quyết này sẽ có hiệu lực từ 1/8. Được biết, từ cuối năm 2017, Sở Nội vụ Đà Nẵng đã phát hơn 300 phiếu khảo sát, lấy ý kiến để xây dựng chính sách đối với cán bộ có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi, nhằm thực hiện Đề án tiến cử lãnh đạo dưới 35 tuổi đã được thành ủy Đà Nẵng (dưới thời ông Nguyễn Xuân Anh) thông qua

Tác giả: NGUYỄN THÀNH

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP