Giáo dục

Giáo viên chia sẻ về nỗi lòng của học sinh lớp chọn

Vào giảng dạy ở các lớp chọn đầu khối, tôi dễ dàng nhận thấy sự mệt mỏi hằn trên đôi mắt của các học sinh. Học sinh lớp chọn thường than vãn: “Cả bố mẹ và thầy cô đều đặt quá nhiều kì vọng vào chúng em, mà chúng em có phải là siêu nhân đâu. Biết thế này, thà xuống học lớp thường cho yên thân.”

Trường chuyên lớp chọn luôn là niềm mơ ước của các bậc làm cha làm mẹ. Họ ao ước con mình trở nên giỏi giang, lập nhiều thành tích càng tốt. Các bậc phụ huynh luôn đặt những kì vọng lớn lao trên đôi vai vốn nhỏ bé của các con.

Điều này dễ dàng nhận thấy khi vào đầu mùa tuyển sinh của mỗi năm học, vấn đề trường chuyên lớp chọn trở nên “sốt xình xịch” hơn bao giờ hết. Có những phụ huynh đầu tư cho con em mình ngay từ những năm trước bằng cách tìm các thầy cô luyện thi có tiếng để cho con theo học. Còn có những bậc làm cha làm mẹ lại theo kiểu “nước tới chân mới nhảy” bằng cách cho con đến các trung tâm luyện thi cấp tốc hoặc mời gia sư trực tiếp về nhà để giúp con em mình ôn tập và mong một phần nhỏ ước mơ của mình trở thành hiện thực.

Có tham gia luyện thi cùng các em mới thấy sự vất vả, mệt mỏi và thậm chí sự đuối sức muốn buông xuôi tất cả ở các em và mới thấy thương các em vô cùng.

Tôi được nghe tâm sự của một học sinh lớp 9 trước ngày thi vào lớp chuyên Hóa của một trường cấp 3 nổi tiếng: “Em không thiết tha học lớp chọn đâu cô ơi, bởi vào đó áp lực học tập rất căng thẳng, còn đâu sự hồn nhiên của tuổi trẻ nữa.” Tôi băn khoăn hỏi “Vậy tại sao con lại quyết định thi chuyên Hóa?”. Câu trả lời làm tôi ngỡ ngàng: “Mẹ thấy em học được nhất môn Hóa nên đăng kí cho em thi vào lớp này, chứ em không có hứng thú.” Nói rồi em cúi mặt xuống, khuôn mặt buồn bả và chán nản của em ám ảnh tôi đến bây giờ.

Một học sinh lớp 7 thuộc trường chọn của thành phố, em học “đầu tắt mặt tối” chẳng thấy bóng dáng đâu. Thỉnh thoảng em lại sang nhà tôi hỏi bài vở. Gương mặt em lúc nào cũng tỏ ra đăm chiêu, lo lắng, tìm kiếm nụ cười trên môi em thật khó. Ở em, tôi không thấy sự hồn nhiên, ngây thơ của lứa tuổi 14 mộng mơ đâu cả, em bảo rằng từ khi vào lớp chọn của ngôi trường nổi tiếng bậc nhất tỉnh này, em không lúc nào không cố gắng vì lớp em các bạn học rất giỏi, nếu mình chỉ cần lêu lỏng, ham chơi sẽ bị “đuối sức” và bị “đào thải” ngay. Cho nên mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày em càng cố gắng. Được biết mẹ của em đặt toàn bộ hy vọng và không tiếc tiền của cho em đi học thêm, học kèm khắp nơi. Nói rồi, con bé than vãn: “Con thèm được nghỉ ngơi quá cô ơi, đặc biệt là con muốn được ngủ vô cùng”.

Lòng tôi đầy trăn trở và quan sát em, một cô bé đang “tuổi ăn tuổi chơi” thế mà phải “gồng gánh” những ước mơ, hoài bão, hy vọng quá lớn lao của bố mẹ. Để rồi khi em đến trường liệu có còn mỗi ngày đến trường là một ngày vui? Hay áp lực học tập, thi cử, tâm trạng ganh đua… đã đánh cắp tuổi thơ hồn nhiên của các em?

Vào giảng dạy ở các lớp chọn đầu khối, tôi dễ dàng nhận thấy sự mệt mỏi hằn trên đôi mắt của các học sinh. Học sinh của lớp chọn này thường than vãn: “Cả bố mẹ và thầy cô đều đặt quá nhiều kì vọng vào chúng em, nào là đi học sinh giỏi phải có giải cao, bài học lúc nào cũng khó hơn vì kiến thức được nâng cao, đào sâu hơn, đề kiểm tra lúc nào cũng khó… Chúng em có phải là siêu nhân đâu. Biết thế này, thà xuống học lớp thường cho yên thân.” Như vậy đủ biết rằng vào học lớp chọn các học sinh luôn trong tâm thế sẵn sàng.

Ngoài ra, ngấm ngầm trong sự đoàn kết của khối lớp chọn là một sự thi đua, cạnh tranh khốc liệt giữa các học sinh với nhau. Vì nếu lực học không bằng bạn bằng bè thì chính bản thân học sinh đó sẽ bị bạn bè “cô lập” và “đau” hơn nữa sẽ bị đẩy xuống lớp thường khi học kì kết thúc hoặc năm học kết thúc. Liệu những học sinh “bị đào thải” đó có còn hứng thú trong học tập, có còn nhiệt huyết trong tình bạn? Và liệu em có còn niềm tin vào chính bản thân mình?

Thiết nghĩ rằng, các bậc cha mẹ nên lắng nghe con, phát hiện kịp thời những mặt mạnh của con để đầu tư phù hợp, tránh lối suy nghĩ áp đặt, trao niềm tin và hy vọng thái quá vào con em làm triệt tiêu niềm đam mê, khả năng sáng tạo vốn có ở các em.

Giáo dục quan niệm rằng: Không có học sinh nào yếu cả, chỉ có những em chưa chăm chỉ mà thôi. Vai trò của giáo dục là làm sao để mỗi học sinh phát huy thế mạnh của mình trong học tập, biết khắc phục những điểm yếu phát huy những thế mạnh của bản thân, khi đó sẽ không còn những lớp chọn để học sinh có cơ hội phát triển như nhau.

Tác giả: Thanh Thanh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP