Giáo dục

Giáo sư và phó giáo sư 2018: Tiêu cực hay là xã hội mất lòng tin?

Trước những dư luận ồn ào về câu chuyện công nhận chức danh giáo sư, Bộ GD-ĐT phải trả lời được Thủ tướng là sẽ xử lý các tiêu cực trong quá khứ và nâng cao chất lượng chức danh trong tương lai như thế nào.

GS Toán học Ngô Việt Trung nêu ý kiến như vậy trong bài viết gửi tới VietNamNet. Dưới đây là nội dung bài viết.

Số người được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư qua các năm gần đây. Đồ hoạ: Lê Văn

Theo thống kê sơ bộ thì tỷ lệ số bài báo quốc tế trên đầu ứng viên năm nay cao hơn năm ngoái và tỷ lệ ứng viên không được xét duyệt năm nay cũng cao hơn những năm trước. Như vậy, không thể nói là chất lượng chức danh năm nay yếu hơn những năm trước được.

Tin đồn về tiêu cực cũng rất nhiều nhưng cũng chỉ là tin đồn thôi. Người ta không thể phán xử sự việc chỉ qua tin đồn. Dư luận chỉ nói chung chung về chất lượng ứng viên kém và tiêu cực ở các hội đồng, những điều có thể nói về mọi đợt phong chức danh chứ không phải chỉ cho năm nay.

Vậy thì tại sao xã hội lại "dậy sóng" khi mà số lượng chức danh được phong tăng gấp rưỡi so với năm trước? Những người được phong năm nay đều đạt các tiêu chuẩn cứng và được xét đúng quy trình như mọi năm cơ mà. Đáng lẽ ra, chúng ta phải vui mừng khi nền giáo dục đại học có thêm nhiều giảng viên có trình độ trong lúc nhiều đại học không có giáo sư nào. Chỉ có thể giải thích điều này là xã hội từ lâu đã không tin vào các tiêu chuẩn và quy trình xét duyệt chức danh. Sự mất lòng tin này lên đỉnh điểm năm nay vì số lượng đạt tiêu chuẩn tăng một cách đột ngột, đến mức Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT rà soát loại những người được xét đạt tiêu chuẩn chức danh năm nay.

Có rà soát kỹ đến đâu thì 99,9% những người đã được xét công nhận năm nay vẫn đủ tiêu chuẩn. Nếu có ứng viên nào đó không đủ tiêu chuẩn thì đó cũng chuyện sai sót bình thường. Nếu chỉ kết luận như vậy thì mọi việc đâu vẫn đấy, xã hội sẽ càng mất lòng tin hơn.

Đây không phải chỉ là câu chuyện của năm nay. Bộ GD-ĐT phải trả lời được Thủ tướng là sẽ xử lý các tiêu cực trong quá khứ và nâng cao chất lượng chức danh trong tương lai như thế nào. Để giải quyết chuyện này, Bộ GD-ĐT phải thực hiện những biện pháp sau.

Thứ nhất là phải kiên quyết loại bỏ những trường hợp không đủ tiêu chuẩn, không những chỉ của năm nay mà còn của cả những năm trước, đặc biệt là những biểu hiện không trung thực trong việc khai báo thành tích. Chất lượng chức danh vừa qua có thể thấp (vì tiêu chuẩn thấp), nhưng không thể để những người gian dối làm thầy được.

Thứ hai là phải đưa ra một quy định mới về tiêu chuẩn và quy trình xét duyệt mới phù hợp với thông lệ quốc tế và trình độ của nền khoa học Việt Nam. Quy trình soan thảo phải công khai và có sự tham gia trực tiếp của các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam. Dự thảo vừa qua tuy có tiến bộ hơn quy định cũ về tiêu chuẩn công bố quốc tế nhưng còn rất nhiều vấn đề tồn tại, chưa đủ tạo dựng lòng tin trong cộng đồng khoa học.

Tại sao Bộ GD-ĐT lại giao cho Cục Nhà giáo (không am tường về giảng dạy đai học và thông lệ quốc tế) phụ trách việc soạn thảo mà không giao cho Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm chính về việc xét duyệt chức danh (và cũng là nơi có đầy đủ đại diện các chuyên ngành khoa học) làm việc này? Trước tiên, nên thành lập một Ban soạn thảo quy định mới bao gồm các nhà khoa học đầu đàn của Việt Nam trong và ngoài nước (không cần đủ đại diện tất cả các ngành nhưng gồm những người ưu tú nhất, am hiểu thông lệ quốc tế và và trình độ của nền khoa học Việt Nam). Ban này sẽ soan thảo một dự thảo mới trên cơ sở dự thảo cũ và trình lên Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước xem xét và thông qua.

Hai vấn đề chính trong quy trình xét duyệt

Có hai vấn đề chính trong quy trình xét duyệt chức danh cần được giải quyết một cách thấu đáo trong dự thảo mới.

Các tiêu chuẩn cứng: Dự thảo cũ tuy đã nhấn mạnh hơn về tiêu chuẩn công bố quốc tế cho các nhóm ngành và theo lộ trình nhưng vẫn giữ nguyên các tiêu chuẩn hình thức như bắt buộc viết sách, đào tạo nghiên cứu sinh, thâm niên giảng dạy. Những tiêu chuẩn này đã và đang góp phần tạo ra nhiều giáo trình rởm, nghiên cứu sinh rởm, và sau đó là các chức danh rởm huỷ hoại chất lượng và thanh danh giáo dục đại học. Những tiêu chuẩn hình thức này chỉ tạo ra các rào cản đối với những giảng viên trẻ có trình độ được phong chức danh. Chỉ cần nâng cao tiêu chuẩn công bố quốc tế trong danh mục các tạp chí uy tín thì sẽ loại bỏ ngay được tất cả tiêu cực về chất lượng cũng như về chạy chọt. Nếu cần kiểm tra trình độ giảng dạy thì ta có thể yêu cầu ứng viên trình bày trước hội đồng ngành theo thông lệ quốc tế.

Hội đồng giáo sư ngành kinh tế năm 2016

Bầu các hội đồng: Việc xét chức danh ở bất kỳ nơi nào trên thế giới này cũng phải thông qua một hội đồng khoa học gồm các nhà chuyên môn cùng ngành có uy tín nhất. Chỉ thông qua hội đồng ngành thì mới đánh giá được thực lực các ứng viên (không thể đánh giá ứng viên chỉ qua các tiêu chuẩn cứng được vì các công bố có chất lượng không đồng đều và có thể ngụy tạo). Với một nền khoa học còn yếu kém như ở nước ta thì nhất thiết phải có các hội đồng ngành đánh giá ứng viên xem có đủ tiêu chuẩn không. Ngay ở các nước tiên tiến như Pháp và Italia cũng có những hội đồng chuyên ngành quốc gia xét duyệt các ứng viên đủ tiêu chuẩn chức danh, còn chuyện phong ứng viên đủ tiêu chuẩn vào các chức danh thì do các cơ sở quyết định.

Có một số ý kiến cho rằng các Hội đồng chuyên ngành không đủ hiểu biết để xét duyệt các ứng viên đủ tiêu chuẩn chức danh ở cơ sở. Nhưng thực tế cho thấy, chính các hội đồng cơ sở mới là nơi xét duyệt một cách hời hợt nhất vì không đủ chuyên gia cùng ngành và cũng vì lý do thân quen cùng cơ quan. Nếu chỉ để Hội đồng cơ sở xét duyệt chức danh mà bỏ Hội đồng ngành thì chắc chắn rằng tất cả các cơ sở sẽ lạm phát chức danh ngay lập tức. Để tránh phức tạp quy trình phong chức danh, nên để Hội đồng ngành xét duyệt ứng viên đủ tiêu chuẩn chức danh trước, còn việc phong chức danh thì để Hội đồng cơ sở xét sau.

Chuyện tiêu cực có thể xảy ra ở bất cứ hội đồng cấp nào và có lẽ ở cấp cơ sở lại càng dễ. Để tránh tiêu cực, dự thảo mới phải có tiêu chuẩn cứng cho thành viên hội đồng các cấp và phải được bầu một cách dân chủ trong hàng ngũ các chức danh cùng ngành. Chỉ qua việc bầu chọn mới có thể loại bỏ những người không đủ trình độ và không công tâm.

Cuối cùng, chuyện phong chức danh ở nước ta mới dừng lại ở chuyện vinh danh. Đó không phải là các vị trí khoa học theo đúng nghĩa vì những quy chế hiện hành chưa có những quy định nào thể hiện chức trách của các chức danh trong cơ cấu tổ chức và hoạt động ở các cơ sở đào tạo.

Theo thông lệ quốc tế thì các chức danh khoa học phải đóng vai trò quyết định trong việc bầu lãnh đạo, xét biên chế. định hướng hoạt động và phát triển của cơ sở đào tạo..., tức là các chức danh khoa học phải đóng vai trò “kiến tạo” trong cơ sở của mình. Vai trò này phải được luật hoá trong quy chế tổ chức và hoạt động của các trường đại học và viện nghiên cứu.

Để thực hiện được các biện pháp trên đâu có quá khó mà chúng ta mãi vẫn không làm được. Chỉ cần chúng ta định hướng theo các chuẩn mực quốc tế là sẽ thoát ra khỏi những vấn đề đang tồn tại hiện nay, gây dựng lại lòng tin của xã hội đối với các chức danh giáo sư và phó giáo sư.

GS Ngô Việt Trung

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP