Xã hội

Gặp những chiến sỹ Điện Biên quê lúa

Với những chiến sỹ Điện Biên ở huyện lúa Yên Thành (Nghệ An) từng được tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu để làm nên chiến thắng “lừng lẫy 5 châu chấn động địa cầu” ngày ấy, giờ vẫn còn vẹn nguyên một thời hoa lửa.

Dẫu đã ở tuổi 87, nhưng Cựu Chiến binh (CCB), nhà báo Nguyễn Thế Viên, xóm Ngọc Thành, xã Hùng Thành vẫn còn rất tinh anh, nhanh nhẹn, tích cực tham gia mọi hoạt động phong trào địa phương, động viên con cháu thi đua lao động, sản xuất xây dựng quê hương. Cùng với mài dũa ngòi bút làm thơ, gom nhặt những mẩu chuyện ở đời để tập hợp in nên những cuốn sách lưu giữ kỷ niệm cho thế hệ tương lai, hơn 5 năm nay, ông còn là thành viên tích cực của hội CCB, hội người cao tuổi xã, chủ nhiệm câu lạc bộ thơ ca “Hoa đất Hậu”, “Hương đất Hùng”, cùng con cháu thi đua lao động, phát triển mô hình kinh tế, trở thành một điển hình sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.

Ký ức một thời hoa lửa

Đặc biệt, những ngày này, trong ngôi nhà tình nghĩa, thắm tình đồng chí, đồng đội Điện Biên Phủ mà ông được trao tặng, bao xúc cảm của một phóng viên Thông Tấn xã Việt Nam bám chiến trường Điện Biên Phủ, cùng quân dân cả nước nếm trải “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt…” lại ùa về. CCB Nguyễn Thế Viên- xóm Ngọc Thành, xã Hùng Thành, Yên Thành chia sẻ: “Là một phóng viên mặt trận nên được đi nhiều nơi, những điểm nóng ác liệt, nhưng tôi nhớ nhất vẫn là đi với đơn vị phá bom nổ chậm ở ngã ba Cò Nòi. Đây là ngã ba trọng yếu nếu cắt ngã ba này thì sẽ không tiếp tế được cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Vì thế, hàng ngày địch rải hàng ngàn tấn bom, đơn vị 295, 297 đa số là người Yên Thành, ngày nào cũng cợi lên trên bom để cắt dây cháy chậm, hủy bom. Có một ngày, hình ảnh của anh Nguyễn Văn Bơ đơn vị 297, người con Liên Thành cùng đơn vị ra phá 4 bom, đang cắt dây cháy chậm thì không may một quả phát nổ, vùi lấp tất cả tiểu đội, hy sinh mất hai người, nhưng ngày hôm sau giặc Pháp thả bom các anh vẫn ra làm nhiệm vụ không hề nản chí. Những hình ảnh đó đọng mãi trong tôi và cũng là động lực để tôi hoàn thành nhiệm vụ của một phóng viên chiến trường và nay trở về với cuộc sống đời thường cũng vậy”.

Ký ức gian khổ mà hào hùng qua lời kể của CCB  Đào Đình Giáp trào dâng bao cảm xúc như mới hôm nào. Những kỷ vật  chiến tranh luôn được ông nâng niu, gìn giữ như nhắc nhở cho thế hệ mai sau biết quý trọng giá trị hòa bình hôm nay.


Những con người làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc giờ đây đã bước vào tuổi xế chiều, nhưng khi nhắc đến ký ức về các trận đánh Điện Biên Phủ họ vẫn không thể nào quên. Với CCB Đào Đình Giáp xã Vĩnh Thành, nguyên chiến sỹ Điện Biên thuộc đơn vị E 57, F304 lại càng tự hào hơn, bởi 63 năm về trước ông từng tham gia chiến dịch để góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu,chấn động địa cầu. CCB Đào Đình Giáp, làng Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Thành, Yên Thành nhớ lại:

Chúng tôi ngày 1 tháng 2 đi thì ngày 3 tháng 3 Điện Biên Phủ nổ súng. Vì thế vào đơn vị là hành quân ngay, không kịp tập bắn súng mà vừa đi vừa tập bắn. Tôi được bổ sung vào sư 304, trực tiếp vào Trung Đoàn 57, đơn vị bộ đội địa phương của Nghệ An làm nhiệm vụ bao vây sân bay Mường Cung, cắt đứt tiếp tế đường không. Đêm mình đào hầm lấn vào sân bay, cắt đứt sân bay từng mảng nhưng ngày thì địch điều xe tăng ra lấp mà đêm về ta lại đào, cứ giằng co như thế. Trong khi đào hầm thì rất gian khổ vất vả, hầm mô hàm ếch cũng có một cái dù vừa để nằm vừa để dùng lau chân, lau mặt, khổ bùn lầy, mưa dầm, cơm vắt nhưng anh em không hề nản lòng mà quyết tâm vì chiến dịch.

Cháy mãi tinh thần những Chiến sỹ Điện Biên

Gian khổ, khó khăn chồng chất là thế, nhưng không làm sờn lòng các chiến sỹ Điện Biên năm ấy. Trong số hơn 4.000 dân công, thanh niên của Nghệ An và Quân khu 4 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, thì ở huyện Yên Thành có hơn 200 người, trong đó có trên 100 người hiện đang sống và sinh hoạt tại quê hương, người ít nhất cũng đã ở tuổi 83 và có 11 cụ trên tuổi 90.

Dẫu tuổi cao, nhưng các CCB vẫn luôn nêu cao gương sáng, được Đảng tín, dân tin, làm gương cho con cháu noi theo. CCB Nguyễn Văn Dong- xóm Kim Thành, xã Hùng Thành, Yên Thành cho biết: Chúng tôi là những CCB, nay tuổi đã cao nhưng vẫn luôn phát huy tinh thần chiến sỹ Điện Biên. Bản thân tôi luôn cố gắng, vươn lên sản xuất trồng trọt, trồng cây lưu niên, như trồng đào, chú trọng chăm sóc kỹ thuật. Mỗi năm hơn 40 gốc đào cho thu nhập hàng chục triệu đồng, đủ để ông bà trang trải cuộc sống và cũng là noi gương cho cháu con học tập.

Những ký ức một thời hoa lửa của bản thân và đồng đội luôn được CCB – nhà báo Nguyễn Thế Viên trân trọng, khắc họa, tập hợp thành những cuốn sách để thế hệ trẻ hôm nay biết về quá khứ hào hùng của ông cha.


Trong chiến tranh, người lính luôn chiến đấu ngoan cường, trở về với cuộc sống đời thường họ vẫn luôn phát huy bản chất bộ đội Cụ Hồ, nêu cao tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, đem nhiệt huyết, sức lực và trí tuệ, gương mẫu đi đầu mọi hoạt động phong trào; tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo ban con cháu thi đua xây dựng quê hương. Ông Vũ Trọng Tài- Trưởng ban liên lạc chiến sỹ Điện Biên Phủ huyện Yên Thành cho biết: “Những cựu binh Điện Biên như chúng tôi thường xuyên thăm hỏi động viên nhau, tham gia các hoạt động ở địa phương, có cụ trồng cây cảnh, cụ nuôi cá, cụ làm vườn, xứng đáng làm gương cho thế hệ, mẫu mực trong rèn luyện con cháu. Cụ nào cũng tích cực trong hoạt động hội CCB, người cao tuổi”. Ban liên lạc chiến sỹ điện biên cũng đã vận động, in được 2 tập sách chiến sỹ Điện Biên để lưu lại cho con cháu.

Trong thời chiến cũng như trong cuộc sống đời thường, những chiến sỹ Điện Biên Phủ 63 năm về trước giờ đây tuy mỗi người mỗi hoàn cảnh, song dẫu ở cương vị nào, tuổi tác có cao, họ cũng luôn tự hứa với đồng chí, đồng đội luôn giữ vững và phát huy phẩm chất tốt đẹp của người lính cụ Hồ được tôi qua đạn lửa, tích cực, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động ở địa phương, hiến kế chung sức xây dựng nông thôn mới, đưa quê hương anh hùng ngày càng giàu đẹp.

Tác giả: Anh Tuấn - Phan Hiền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP