Tin địa phương

Đề xuất lấn biển Đà Nẵng: Lạ lùng nhà đầu tư

Ngày 22/5, Phòng CSGT Công an Đà Nẵng cho hay, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa có ý kiến chỉ đạo bổ sung các tuyến đường cấm đỗ xe ngày chẵn, ngày lẻ và cấm đỗ xe giờ cao điểm trong phạm vi 30m trước và sau một số nút giao thông.

Tất cả còn rất mơ hồ

Mới đây, liên minh một số nhà đầu tư đề xuất thực hiện Dự án đảo Hoa Sen tại vịnh Đà Nẵng từ việc xây dựng lấn biển, vốn 8 tỷ USD. Cách đó không lâu, Quận ủy Thanh Khê cũng đã đề xuất lấn biển dọc đường Nguyễn Tất Thành để làm sống lại bờ biển trên bằng các dịch vụ du lịch và chuỗi khách sạn.

Trao đổi với Đất Việt, ngày 22/5, KTS Phan Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng cho biết: "Đây mới chỉ là dự kiến, ý tưởng ban đầu chưa có bất kỳ một bản đồ thiết kế cụ thể về công trình sẽ xây dựng nên chưa thể đánh giá ngay nên hay không nên làm, tất cả còn rất mơ hồ.

Thế nhưng, cho dù là công trình lớn hay nhỏ cứ lấn biển là phải có đánh giá bằng luận cứ khoa học cẩn trọng thì mới làm được, nhất là đánh giá tác động môi trường.

Qua xem hình ảnh thiết kế dự án đảo hoa Sen tôi thấy khá lớn, gần như bao trùm hết lãnh thổ của vịnh, nên chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến sinh thái, cảnh quan, sự sống bên dưới của các sinh vật, thậm chí là tác động đến cảng Liên Chiểu, cũng như cảng Tiên Sa.

Thật ra ở đây, không nhà đầu tư nào bỏ tiền ra làm bất kỳ một dự án nào mà không vì lợi nhuận, đơn giản đây là vịnh đẹp nhất hành tinh, nếu đầu tư vốn sẽ có lợi ích lớn. Cho nên, Công ty CP lương thực Đà Nẵng cũng có tên trong nhóm các công ty muốn đầu tư vào dự án này, dù họ sẽ không có kinh nghiệm về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng".

Đường Nguyễn Tất Thành - TP Đà Nẵng

Bên cạnh đó, theo ông Hải, không thể đem hình mẫu Dubai, Singapore về cho Đà Nẵng vì mỗi nơi sẽ có các hệ sinh thái khác nhau. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ lưỡng mang tính khách quan, cần xem tác động đến mọi mặt, vì đây là một dự án kéo dài, có thể ảnh hưởng cả các đời sau.

Có thể thiết kế là một chuyện, nhưng đi vào thực tiễn xây dựng lại cần sự đánh giá hoàn toàn khác, phải có đánh giá khoa học.

"Chúng ta đã có những bài học nhãn tiền, việc san lấp đã “ép” dòng chảy từ việc lấn biển làm khu đô thị quốc tế Đa Phước năm 2007, kéo dài qua 2 quận Hải Châu và Thanh Khê với 4 phường Thuận Phước, Thanh Bình, Tam Thuận, Xuân Hà, gây nên tình trạng xâm thực mỗi khi thủy triều dâng.

Còn dự án The Sunrise Bay quy mô 175 ha cũng san lấp và lấn một phần vịnh. Chúng ta hẳn còn nhờ sau cơn bão số 9 năm 2009 gây thiệt hại nặng nề cho tuyến đường Nguyễn Tất Thành, đã có nhiều ý kiến cho rằng việc lấn vịnh làm Khu đô thị quốc tế Đa Phước khiến thiệt hại thêm nặng nề hơn.

Sau gần chục năm hình thành, đến nay Đà Nẵng cũng đang phải chi hàng trăm tỉ đồng để khắc phục hậu quả lấn biển của khu đô thị trên", ông Hải chỉ rõ.

Chính vì thế, theo vị chuyên gia trên, bây giờ nghiên cứu gì cũng phải nghiên cứu tổng thể tác động đến sinh thái, con người, xã hội.

Hãy thận trọng, nếu không sẽ mất biển do ô nhiễm

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, KTS Hoàng Quang Huy - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng, các đô thị hiện nay không quy định tầm cao, mật độ xây dựng nên quỹ đất thiếu, thậm chí đã hết nên phải tính đến chuyện lấn biển để phát triển, đây là việc cần phải xem xét kỹ lưỡng.

Trước đây không có quy hoạch nén, tức là ép vào nâng tầm lên, nâng chiều cao, chiều sâu xuống lòng đất, nên giờ thiếu thốn thì phải lấn biển.

"Phải tính toán, nghiên cứu cẩn trọng, động đến điều kiện tự nhiên của biển, sông, núi...đều phải tính toán về địa chất thủy văn.

Đặc biệt, phải tính toán đến điều kiện xử lý chất thải ra biển, chất thải không có biện pháp tốt thì biển sẽ ô nhiễm, biển khu vực miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng được coi là bãi biển đẹp nhất hành tinh, nếu không cẩn trọng tính toán kỹ thì sẽ mất biển, mất thương hiệu du lịch.

Tôi đã đi Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc) ở đó các công trình xây dựng đều nằm giữa biển, nhưng họ quy định tầm cao, mật độ xây dựng rất chặt chẽ.

Tôi nhắc lại, muốn làm các công trình dịch vụ khách sạn cần lưu tâm đến mật độ xây dựng là đầu tiên, theo đó là tầm cao xây dựng, thu gom chất thải của khách sạn, công trình dịch vụ, đặc biệt chất thải vệ sinh rất nguy hiểm, các đồ thừa cứ vứt xuống thì môi trường ngày càng xấu đi, phải quản lý chặt chẽ.

Trước khi làm thì các cơ quan quản lý phải giao nhiệm vụ cho cơ quan nào đó phối hợp chủ đầu tư đưa ra kế hoạch xin ý kiến người dân vì đây là quyền lợi của họ, xin ý kiến các nhà chuyên môn, các nhà quy hoạch", ông Chung nói thêm.

Tác giả: Châu An

Nguồn tin: Báo Đất việt

  Từ khóa: lấn biển , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP