Giáo dục

Dạy toán xác suất, thống kê từ lớp 2: Giáo viên phải “cởi bỏ” nỗi sợ

PGS. TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, người sáng lập chương trình toán Pomath cho rằng, xác suất, thống kê là nội dung quá cần thiết vì nó gần gũi với học sinh. Tuy nhiên, giáo viên phải “cởi bỏ” nỗi sợ để mạnh dạn thay đổi.

Kêu khó vì thiếu trải nghiệm

Chia sẻ với phóng viên về việc nhiều người kêu ca khi chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ dạy toán xác suất, thống kê cho học sinh từ lớp 2, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, đó là do họ thiếu tự tin hoặc thiếu trải nghiệm về những bài học như vậy.

Theo bà Thơ, kiến thức toán học phổ thông không có gì quá phức tạp. Lâu nay, rất nhiều người kêu toán khó, sợ toán vì họ chứng kiến những bài học được tạo ra bởi sự khai thác quá sâu các “mẹo”, đòi hỏi người học những kỹ năng biến đổi sơ cấp, mà lại áp đặt tất cả người học phải theo.

Chuyên gia này cho hay: “Thực tế không phải chúng tôi dạy kiến thức về xác suất, thống kê từ lớp 2, mà chỉ giúp các em tiếp cận với điều này thông qua các cơ hội để các em làm quen với kỹ năng như: liệt kê, phân loại, sắp xếp, hoặc đọc một biểu đồ tranh, hoặc được trải nghiệm và trang bị những kiến thức cơ bản để hiểu cái này chắc chắn xảy ra, cái kia có cơ hội xảy ra nhiều hơn; cái kia không thể xảy ra”.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ và thí dụ về Toán xác suất, thống kê.

Mục đích việc dạy xác suất, thống kê là tạo cho học sinh khả năng nhận thức và phân tích các thông tin được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, hiểu bản chất xác suất của nhiều sự phụ thuộc trong thực tế, hình thành sự hiểu biết về vai trò của thống kê như là một nguồn thông tin quan trọng về mặt xã hội, biết áp dụng tư duy thống kê để phân tích dữ liệu.

Từ đó, nâng cao sự hiểu biết và phương pháp nghiên cứu thế giới hiện đại cho học sinh.

Bà Thơ đưa ví dụ, bố mẹ thường hay kêu ca, 10 ngày nay con chẳng chịu tập trung học hành gì. Vậy điểm 10 mà con có được, liệu có phải thực chất của con hay do chép bài bạn?

"Ở đây, trẻ hoàn toàn hiểu câu nói đó của cha mẹ và đó chính là xác suất về việc có thể, hoặc khó có thể xảy ra”, PGS Chu Cẩm Thơ cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, dạy kiến thức toán học không quan trọng bằng việc dạy cho học sinh hình thành kiến thức đó.

Giáo viên phải cởi bỏ “nỗi sợ”, mạnh dạn thay đổi, cung cấp thêm cho học sinh những ví dụ sinh động của cuộc sống để các em trải nghiệm với cuộc sống. (Ảnh: Minh hoạ).

Giáo viên phải “cởi bỏ” nỗi sợ

Hiện nay có mối băn khoăn rằng giáo viên đang quen với chương trình cũ, sự thay đổi này có gây khó cho hàng loạt giáo viên khi việc tập huấn giảng dạy chưa được đầu tư đến từng giáo viên ở địa phương?

PGS.TS Lê Anh Vinh - Chủ biên môn Toán tiểu học chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, ông hoàn toàn tin tưởng điều này không gây khó cho giáo viên nếu người đó có tâm huyết.

GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học cũng tự tin về đội ngũ giáo viên.

Ông cho rằng, ở chương trình mới, cả giáo viên và học sinh sẽ vui hơn, do đó sẽ không còn sợ bộ môn này nữa.

Trả lời băn khoăn khi giáo viên cũng kêu khó khi nghe thông tin học sinh lớp 2 phải học toán xác suất, thống kê, PGS Chu Cẩm Thơ cho rằng, khi đi thực tế một số trường, các bài toán về mảng này, trẻ em đều làm được.

“Giáo viên phải cởi bỏ “nỗi sợ”, mạnh dạn thay đổi, cung cấp thêm cho học sinh những ví dụ sinh động của cuộc sống để các em được trải nghiệm một cách dễ dàng và gần gũi. Khi ấy chắc chắn học sinh sẽ rất thích nội dung này trong môn toán”, bà Thơ cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, với chương trình phổ thông mới nói chung, cần thay đổi mô hình tập huấn giáo viên một cách căn bản. Chương trình mới hướng tới mục tiêu phát triển năng lực thì việc bồi dưỡng, tập huấn giáo viên phải thay đổi.

Giáo viên không chỉ được tập huấn ở các lớp bồi dưỡng tập trung mà còn cần được tập huấn trên thực địa, trong quá trình giảng dạy của họ và góp ý, điều chỉnh ngay sau mỗi giờ dạy ấy chứ không chỉ được tập huấn về lý thuyết đổi mới.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP