Giáo dục

Dạy 2 buổi/ngày: Khó thành!

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể khó thành hiện thực do không căn cứ vào tình hình thực tế, đặc biệt chương trình thiết kế học 2 buổi/ngày nhưng nhiều địa phương không thể đáp ứng

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trong cuộc họp báo công bố chương trình cho biết một trong những điều kiện khả thi khi thực hiện chương trình là các trường bậc tiểu học có đủ điều kiện dạy 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều địa phương, đặc biệt tại TP HCM, nơi có lượng học sinh (HS) đông nhất nước, đang gồng mình với tỉ lệ HS được học 2 buổi/ngày quá thấp.

Một buổi đã quá tải, hai buổi học ở đâu?

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, sở dĩ điều kiện học 2 buổi/ngày gắn với tính khả thi của chương trình vì đó là yếu tố để HS không bị quá tải. Bởi mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là nhằm tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống cho HS, hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm… Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng đã thống kê cả nước có trên 80% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày.

Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia giáo dục, con số 80% không đồng nghĩa với tín hiệu lạc quan của chương trình, vì vấn đề nằm ở con số 20% còn lại. Nhất là trong số 20% đó ảnh hưởng trực tiếp đến những TP lớn như TP HCM, Hà Nội… nơi quỹ đất còn hạn hẹp, trường lớp hằng năm đều không theo nổi tốc độ tăng dân cư. Điều này thể hiện rõ nhất tại TP HCM.

Cụ thể, theo thống kê của Sở GD-ĐT TP HCM, riêng trong năm học 2018-2019, số HS tiểu học tăng 26.812 HS và con số này không có dấu hiệu dừng lại.

Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 12, cho biết trong nhiều năm, tỉ lệ HS học 2 buổi/ngày tại quận quá thê thảm. "Năm học 2018-2019, chỉ có 20% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày, trong khi bậc THCS là 10%, cố gắng đến năm 2019-2020 tăng lên 15% ở bậc THCS. Tôi cũng lo vô cùng và vừa đặt câu hỏi này với lãnh đạo phụ trách và chờ hướng dẫn tiếp theo" - ông Hùng trăn trở.

Tại quận 12, mỗi năm dao động từ 9.000-12.000 HS vào lớp 1 (mỗi năm tăng trung bình 3.000 HS) thì rõ ràng con số 20% được học 2 buổi/ngày chỉ như muối bỏ bể. Quận Bình Tân còn khủng khiếp hơn khi mỗi năm có khoảng 11.000-13.000 HS vào lớp 1.

Không riêng gì quận 12, Bình Tân, đại diện những quận, huyện luôn nằm trong "điểm nóng" về dân nhập cư, lượng HS tăng đột biến cũng cho rằng dù còn 2 năm (thời gian chính thức triển khai chương trình) hay lâu hơn thế, cũng khó giải quyết bài toán trường, lớp hay một phương án nào tốt hơn để chương trình được khả thi.

Phải tự xoay để có phòng học

Không chỉ ở TP HCM, theo đánh giá của các chuyên gia, việc tổ chức học 2 buổi/ngày đối với HS bậc tiểu học cả nước gặp không ít khó khăn, bất cập do điều kiện cơ sở vật chất, phòng ốc, trang thiết bị ở nhiều địa phương vẫn chưa bảo đảm.

Tại Hà Nội, nhiều trường không đáp ứng được do số lượng HS tiểu học ở các quận nội đô, trung tâm tăng quá nhanh. Theo quy định, sĩ số của trường tiểu học là 35 HS/lớp nhưng có những trường sĩ số một lớp lên đến 50-60 em.

Ở các địa phương miền núi, vùng khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp lại càng thiếu thốn, tạm bợ hơn. Báo cáo cho thấy Nghệ An hiện có 99% các trường tiểu học trên địa bàn tổ chức dạy 2 buổi/ngày nhưng chỉ có 81% trường là dạy đủ chương trình (35 tiết/tuần), gần 20% còn lại mới chỉ đáp ứng được 30 tiết.

Do áp lực sĩ số, nhiều trường tại TP HCM đang chật vật vì không thể dạy 2 buổi/ngày Ảnh: TẤN THẠNH

"Khi không có nhà bán trú dành cho HS, việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày phụ huynh sẽ không hào hứng vì nhà không ở gần trường, bố mẹ sẽ phải đưa đón con tới 4 lượt/ngày trong khi họ còn bộn bề với việc mưu sinh. Bài toán về cơ sở vật chất để bảo đảm các mục tiêu mà chương trình phổ thông mới đặt ra thật sự nan giải" - một chuyên gia giáo dục phân tích.

Ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT - thừa nhận cơ sở vật chất cho việc dạy 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học có khó khăn. Phản hồi những băn khoăn về sĩ số HS/lớp ở một số địa phương đang quá cao, thậm chí gấp đôi so với quy định ở các thành phố lớn gây khó khăn cho việc dạy học theo hướng phát triển năng lực của HS. Ông Phạm Hùng Anh cho biết theo báo cáo của các địa phương hiện nay, sĩ số trung bình HS/lớp ở cấp tiểu học là hơn 28 HS/lớp, tỉ lệ này ở vùng Tây Bắc là 23 HS/lớp, Tây Nguyên là 27 HS/lớp. Tuy nhiên, một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM sĩ số bị vượt quá theo quy định.

Để giải quyết tình trạng này, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất cho biết Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các địa phương rà soát và xây dựng thêm trường, đồng thời bộ cũng gỡ khó khi cho phép các địa phương này nâng tầng các trường học để có thêm lớp học…

Bộ cũng sẽ điều chỉnh lại tiêu chuẩn về cơ sở vật chất. Quy định hiện hành đang đưa ra tiêu chuẩn về sĩ số HS/lớp với từng cấp học, tuy nhiên thời gian tới, quy định này sẽ thay đổi, theo đó sẽ đưa ra diện tích tối thiểu cần đạt cho một HS để bảo đảm không gian học tập.

Để thực hiện các quy định của chương trình mới, ông Hùng Anh nói thêm rằng các địa phương có thể chọn một trong những giải pháp như cân đối quỹ đất, kinh phí để mỗi năm thực hiện dứt điểm việc dạy học 2 buổi/ngày ở một lớp học theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, bảo đảm năm học 2020-2021 lớp 1 đủ phòng học để học 2 buổi/ngày.

Lấy đất đâu để xây trường?

Thế nhưng, không phải địa phương nào cũng có thể cân đối quỹ đất để xây trường lớp, đặc biệt khi chỉ còn 2 năm chương trình mới sẽ triển khai. Theo Sở GD-ĐT TP HCM, bình quân mỗi năm TP tăng khoảng 15.000 HS không có hộ khẩu tại TP. Áp lực này làm gia tăng sĩ số HS/lớp vượt cao so với chuẩn (cấp tiểu học), HS tham gia học 2 buổi/ngày giảm.

Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện… đều eo hẹp, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học. Việc gia tăng số HS nêu trên dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách TP.

Trong khi đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng trường học, ngành đã đề nghị với Bộ GD-ĐT có ý kiến với Bộ Xây dựng cho phép TP thực hiện thí điểm các dự án xây dựng trường học ở các quận nội thành không còn quỹ đất được nâng tầng cao phù hợp thực tế từng địa bàn, tính chất từng dự án một, giải quyết tình trạng thiếu phòng học ở các khu dân cư đông đúc, tập trung và tránh lãng phí kinh phí đầu tư xây dựng mặt bằng chiếm đất xây dựng. Tiếp tục ưu tiên bố trí vốn nâng cấp, mở rộng và duy tu các phòng học, bảo đảm đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 người dân TP trong độ tuổi đi học.

Nói về vấn đề này, phụ trách chuyên môn một phòng GD-ĐT cho rằng việc cân đối quỹ đất ở TP HCM là rất khó khả thi, bởi lẽ dù ngành GD-ĐT nhiều lần đề xuất tăng quỹ đất cho giáo dục nhưng còn rất nhiều vướng mắc, hơn nữa dù tăng thế nào cũng khó mà theo kịp tốc độ tăng dân số cơ học hằng năm trong khi chủ trương của TP lâu nay là mọi HS đến độ tuổi đi học đều phải được đến trường.

Chờ hướng dẫn

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình (TP HCM), tính toán hằng năm, số HS tiểu học học 2 buổi/ngày tại quận chỉ vào khoảng 63%, bậc THCS rất thấp, chỉ dưới 30%. Trong khi đó, ông Trần Trọng Khiêm, Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Phú (TP HCM), cho rằng tinh thần là vẫn chờ hướng dẫn của bộ đối với các cơ sở giáo dục không đủ điều kiện dạy 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, chủ trương của quận và ngành GD-ĐT trong quận đến thời điểm này là tập trung ưu tiên trường, lớp cho 100% HS lớp 1 được học 2 buổi/ngày. Sau đó, tùy tình hình để giảm dần ở các lớp tiếp theo.

"Thật ra, nếu chỉ cần quy định HS có hộ khẩu ở quận nào học quận đó thì quận Tân Phú hay nhiều quận, huyện khác đủ sức đáp ứng cho 100 % HS học 2 buổi/ngày. Nhưng không làm thế được, không thể bắt HS tạm trú ở Tân Phú về Bình Tân học, thế nên chúng tôi chờ hướng dẫn cụ thể để có phương án tiếp theo" - ông Khiêm nói.

Tác giả: Đặng Trinh - Yến Anh

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: Bộ Giáo dục , giáo dục

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP