Giáo dục

"Đáng sợ nhất là những người xứng đáng lại rớt GS, PGS"

GS Nguyễn Đức Dân lạc quan "lớp tiến sĩ trẻ có trình độ sẽ thay thế khá nhanh", còn nguyện vọng lớn nhất của GS Hoàng Xuân Phú là làm sao xoá bỏ những rào cản phi lý để không ngăn cản những ứng viên xứng đáng trở thành GS, PGS.

Rào cản cho người trẻ

"Cách thức xét duyệt và bổ nhiệm chức danh GS, PGS của ta trước sau gì cũng phải tiệm cận thế giới. Nhưng bây giờ đã là thời điểm chín muồi để làm theo thế giới hay chưa thì lại là một câu chuyện khác".

Đó là ý kiến của GS. TSKH. Hoàng Xuân Phú, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam.

"Tôi không có tham vọng cản được những người không xứng đáng. Tôi chỉ có nguyện vọng xóa bỏ những rào cản phi lý để không ngăn cản những người xứng đáng trở thành GS, PGS” – GS. Phú chia sẻ.

“Lứa trẻ bây giờ có nhiều người giỏi. Trước sau gì chúng ta cũng phải trao sứ mạng, trọng trách vào bàn tay của họ. Nếu ở nước ngoài, có thể họ đã được phong GS từ lâu nhưng trở về thì những rào cản này đã cản trở họ”.

Những rào cản đó là: quy định viết sách; quy định phải hướng dẫn xong nghiên cứu sinh (NCS), học viên cao học; quy định về thời gian, thâm niên… Thậm chí, quy định về số lượng bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/ Scopus mà nhiều người cho là một điểm mới của Dự thảo năm 2017 cũng được ông đánh giá là “tiêu chuẩn rất thấp” mặc dù có thể tạm coi là một cải tiến theo hướng nâng cao chất lượng, nhưng “chưa đủ để đại diện cho chất lượng”.

“Ở châu Âu, không ai đòi hỏi GS thì phải viết sách. Thậm chí, đến cuối đời GS cũng không nhiều người viết sách. Họ cũng chỉ cho phép GS mới được hướng dẫn NCS. Nhưng trên thực tế ở ta, nhiều người chưa được GS vẫn hướng dẫn NCS, và hồ sơ của NCS vẫn phải ghi tên một GS đã được phong nào đó, chứ không phải ghi tên người hướng dẫn…”.

Theo GS Phú, đó là những quy định "rất kỳ lạ". Cho nên, nhiều người đã được phong GS, PGS mà xã hội vẫn cho là không xứng đáng mặc dù các tiêu chuẩn về mặt hình thức thì "đủ cả".

Vậy dựa trên tiêu chí gì để xét duyệt chức danh GS, PGS?

“Cứ làm y hệt như các nước tiên tiến: Ở đấy, người ta chỉ xét năng lực. Năng lực ấy trước hết là năng lực khoa học, dựa vào công trình công bố quốc tế để xác định năng lực khoa học. Mà để xét năng lực khoa học, người ta không nặng về số lượng bài báo, mà là chất lượng bài báo” – ông nói.

“Thứ hai, hiển nhiên khi đứng trên bục giảng, anh phải có năng lực sư phạm. Năng lực sư phạm ấy, người ta hoàn toàn không dựa vào những cái bằng gọi là phương pháp giảng dạy. Để chọn 1 GS, giả sử có 50 hồ sơ, người ta sẽ chọn ra 10 người tốt nhất, sau đó mời 10 người ấy đến trình bày. Và qua buổi trình bày ấy, người ta đủ đánh giá được năng lực sư phạm của anh. Sau buổi trình bày ấy, họ sẽ chọn ra một số ít những người đứng đầu danh sách… Đó là cách các nước làm”.

Ở Đức, hội đồng tuyển chọn hầu như không ai có tờ tiêu chuẩn nào trước mặt. “Mỗi người tự có cảm nhận thế nào là một nhà khoa học xứng đáng. Nếu như một hội đồng đủ năng lực thì hiển nhiên phải đánh giá được năng lực của ứng viên dựa vào chất lượng, chứ không phụ thuộc vào số lượng. Còn chừng nào một hội đồng chỉ lệ thuộc vào các tiêu chí số lượng, rồi ke sang thì hội đồng ấy không đủ năng lực.

Tuy nhiên, GS. Phú thừa nhận, nếu bỏ các tiêu chuẩn định lượng thì cũng không ổn với môi trường học thuật Việt Nam.

“Vì như tôi đã nói, ở những đất nước đó, tất cả những người ngồi trong hội đồng hiển nhiên phải là những nhà khoa học nghiêm túc, đầy đủ kinh nghiệm. Còn ở ta, liệu có thể có một đội ngũ như thế để mà hoàn toàn tin vào cảm nhận của họ hay không? Rất khó!”

Quan trọng nhất vẫn là năng lực hội đồng thẩm định

Chia sẻ quan điểm của GS. Hoàng Xuân Phú, một GS đang công tác ở một trường đại học tốp đầu cho rằng, “đáng sợ nhất là những người xứng đáng lại rớt, còn những người không xứng đáng lại được”.

Về số lượng bài báo ISI/ Scopus theo Dự thảo mới, vị GS này cho rằng đây là một điểm tiến bộ. Yếu tố quan trọng nhất theo ông vẫn là năng lực và sự công tâm của các thành viên trong hội đồng thẩm định.

“Quy định mới này bắt buộc ứng viên phải có báo ISI/Scopus, là một điểm tiến bộ theo xu hướng của thế giới, nhưng vô lý là lại hoàn toàn không yêu cầu người chấm ứng viên phải có báo ISI/Scopus” – ông nói.

Đặc biệt là ở hội đồng ngành – nơi năng lực chuyên môn của ứng viên được cày xới, thì thành viên của Hội đồng ngành phải có số lượng bài ISI/scopus gấp 5 gấp 10 lần số bài ít nhất mà ứng viên GS phải có, vị GS này khẳng định.

"Lớp tiến sĩ trẻ có trình độ sẽ thay thế khá nhanh"

GS.TS. Nguyễn Đức Dân

Trong khi đó, nói về các hội đồng thẩm định, GS Nguyễn Đức Dân thừa nhận, có chuyện nhiều thành viên ngồi hội đồng không có bài báo công bố quốc tế, có những người không được giới khoa học “nể” lắm nhưng vì lý do nào đó vẫn được chọn, và cũng có chuyện “ngồi lâu quá thành chết ì”.

GS. Dân đề xuất nên có những thay đổi trong hội đồng thẩm định, ví dụ như không nên để các thành viên ngồi hội đồng quá lâu – lên đến 5 năm, sẽ tạo cho các cá nhân đó những thứ quyền lực để người khác xin xỏ, chạy chọt. Hay chuyện bỏ phiếu tín nhiệm, ở một số ngành có những chuyện có người xứng đáng nhưng vì mâu thuẫn cá nhân mà không đủ phiếu. “Những chuyện đó là có, rồi sinh ra kiện cáo. Tôi được biết, trong nhiều ngành, chất lượng GS được phong khá ‘bệ rạc’” – ông nói.

Vì thế, vị GS Ngôn ngữ học đề xuất nên giao việc xét duyệt GS, PGS về cho các cơ sở đào tạo. Đồng thời, các trường phải đưa ra những kế hoạch vĩ mô. “Từng trường, cụm trường phải công bố công trình của các GS, PGS, kể cả không có công trình thì cũng phải ghi là không có công trình”.

Theo ông, nên học theo các nước: “Đã làm quan thì không làm GS. Đã là GS thì phải đứng trên bục giảng".

GS. Dân cho rằng, nếu chuyển về các trường, ban đầu sẽ có những xô bồ và lộn xộn, nhưng rồi chính chất lượng các công bố khoa học sẽ sàng lọc, phân loại chất lượng GS của mỗi trường.

“Bây giờ, nhiều GS không đủ năng lực viết một bài báo quốc tế, có thể là do tiếng Anh kém. Nhưng thà chịu mất một số GS trong thời gian đầu. Tôi tin rằng, những lớp tiến sĩ trẻ có trình độ sẽ thay thế khá nhanh”.

Tác giả: Nguyễn Thảo – Lê Huyền

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP