Tin địa phương

Đà Nẵng sắp xếp nhân sự sau khi nhiều cán bộ bị bắt

Vị trí đứng đầu ba cơ quan ở Đà Nẵng đã được giao cho cấp phó kiêm nhiệm trong lúc chờ cơ quan điều tra ra kết luận cuối cùng.

Trong 13 người ở Đà Nẵng bị khởi tố liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ, có ba cán bộ đương chức là ông Đào Tấn Bằng (43 tuổi, Bí thư Đảng ủy khối các khu công nghiệp), ông Lê Cảnh Dương (Giám đốc Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp) và ông Nguyễn Viết Vĩnh (40 tuổi, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa).

Chiều 28/9, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, cho biết theo quy định của Luật Công chức, cán bộ, công chức đương chức bị khởi tố chỉ có thể tạm đình chỉ chức vụ, khi có kết luận cuối cùng của cơ quan cảnh sát điều tra mới có thể xử lý tiếp. Hiện Đà Nẵng đã đình chỉ sinh hoạt Đảng và chức vụ của ba người trên.

Ông Võ Ngọc Đồng trả lời câu hỏi của báo chí tại cuộc họp báo chiều 28/9. Ảnh: Nguyễn Đông.

Chức vụ của hai người bên khối chính quyền đã có phó giám đốc tại các đơn vị tạm thời phụ trách. Cụ thể, công việc tại Ban Xúc tiến đầu tư được giao cho bà Huỳnh Liên Phương (Phó giám đốc ban) điều hành thay ông Dương. Còn công việc tại Cảng vụ đường thủy nội địa do ông Bùi Thanh Thuận (Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng) kiêm nhiệm thay cho ông Vĩnh.

"Thành phố đã đề nghị Sở Giao thông chuẩn bị nhân sự thay thế vị trí của ông Vĩnh trong đầu tháng 10 này", ông Đồng nói và cho biết trường hợp ông Đào Tấn Bằng sẽ do Đảng ủy xử lý. Công việc hiện tại ở Đảng ủy khối các khu công nghiệp cũng đã được giao cho một Phó bí thư đảm nhận.

"Việc xử lý cán bộ không thể làm ngay mà cần theo quy định. Tuy nhiên, các cán bộ đương chức bị bắt giam liên quan đến vụ án đã ảnh hưởng đến công việc của thành phố. Lãnh đạo Đà Nẵng đã cử người thay thế ngay để đảm bảo công việc không bị ách lại", ông Đồng nói thêm.

Ông Đào Tấn Bằng (nguyên Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng) và ông Nguyễn Viết Vĩnh bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam hôm 18/9 về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, theo điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cùng tội danh này, ông Lê Cảnh Dương bị bắt hồi tháng 4/2018.

Các bị cáo này được xác định có những sai phạm trong tham mưu nhiều văn bản trái luật để lãnh đạo thành phố đồng ý chủ trương bán, chuyển nhượng nhiều nhà, đất công sản. Nhiều nhà công sản do nhóm này tham mưu sau đó đều rơi vào tay Vũ "Nhôm".

Mở rộng điều tra vụ án Phan Văn Anh Vũ tại Đà Nẵng, tháng 4/2018, Bộ Công an khởi tố hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là ông Văn Hữu Chiến và ông Trần Văn Minh về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015) và Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai (điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015). Ông Minh bị bắt giam, ông Chiến được tại ngoại.

Ba bị can khác cùng bị khởi tố tội Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai gồm: ông Nguyễn Điểu (nguyên giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường), Trần Văn Toán (nguyên phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường) và ông Lê Cảnh Dương. Tháng 8 vừa qua, công an khởi tố thêm hai người về tội danh này, cho tại ngoại là ông Nguyễn Văn Cán (64 tuổi, nguyên chánh văn phòng UBND Đà Nẵng) và ông Phan Xuân Ít (64 tuổi, nguyên phó chánh Văn phòng UBND Đà Nẵng).

Bộ Công an cũng đã khởi tố bốn người về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí với các ông Nguyễn Công Lang (nguyên giám đốc Công ty quản lý nhà Đà Nẵng); ông Phan Ngọc Thạch (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Đà Nẵng); ông Trần Phi (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đà Nẵng) và ông Huỳnh Tấn Lộc (Tổng giám đốc công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng).

Tác giả: Nguyễn Đông

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: cán bộ , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP