Tin địa phương

Hàng loạt bất cập phát sinh sau kết luận của Thanh tra Chính phủ về đất đai

Không thể xây dựng, không thể sang tên, chuyển nhượng, thế chấp… đối với đất đã được cấp sổ đỏ, người dân bức xúc kiến nghị hàng loạt vấn đề bất cập với Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng, đề nghị chính quyền TP và Chính phủ giải quyết.

Đoàn ĐBQH Đà Nẵng ghi nhận các vướng mắc của người dân trong lĩnh vực đất đai (ảnh M.H)

Những vấn đề bất cập chủ yếu như: đất sản xuất kinh doanh đã được cấp GCN QSDĐ (sổ đỏ) ghi thời hạn sử dụng đất lâu dài và đã nộp tiền sử dụng đất bằng 70% giá trị đất ở; đã nộp 100% tiền sử dụng đất (theo giá đất ở); đã thế chấp toàn bộ sổ đỏ cho ngân hàng; đã triển khai xây dựng trên đất được cấp sổ; đã chuyển nhượng; chưa chuyển nhượng…, nhưng vừa qua bị Thanh tra Chính phủ kết luận Đà Nẵng cấp sai quy định của Luật Đất đai năm 2003 nên phải sửa lại thời hạn sử dụng đất là 50 năm.

Vỡ nợ, bị kiện vì GCN QSDĐ cấp sai thời hạn

Bà Nguyễn Thị Mỹ, một nhà đầu tư đất từ Hải Phòng cho biết, bà đã đầu tư đất nhiều năm tại Đà Nẵng. Vừa rồi bà Mỹ bán một lô đất, hai bên đã giao nhận cọc 3 tỷ đồng và ra công chứng. Thế nhưng Sở Tài nguyên không cho sang tên và yêu cầu phải chuyển sang đất có thời hạn 50 năm. Bà phải chịu phạt cọc đến 6 tỷ đồng. Sự thay đổi thời hạn sử dụng này gây thiệt hại quá lớn cho doanh nghiệp, bà Mỹ bức xúc.

Tương tự, bà Trần Thị Hồng Phấn (Đà Nẵng), bị kiện ra TAND quận Sơn Trà buộc phải đền gấp đôi tiền cọc. Trước đó, bà Phấn bán cho người bạn Việt kiều ở Thụy Sỹ 1 lô đất đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc để xây khách sạn. Hai bên ra công chứng mua bán bình thường nhưng Phòng Tài nguyên của quận Sơn Trà không cho sang tên, buộc phải chuyển sang đất có thời hạn 50 năm. Trong khi lô đất này đã được cấp sổ đỏ là đất ở và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Bà Phấn bị kiện bồi thường gấp đôi số tiền đã nhận.

Nhiều người có nguy cơ phá sản, trắng tay vì ngân hàng không nhận thế chấp tài sản do “vướng” đến kết luận của thanh tra Chính phủ. “Chúng tôi không gánh nổi trong khi sai phạm này không thuộc về mình”, một cử tri bức xúc.

Cử tri bức xúc vì bị "ép" chuyển đổi sổ lĩnh vực đất ở dài hạn thành đất có thời hạn 50 năm (ảnh M.H)

Thời gian qua, tại TP. Đà Nẵng có đến hàng nghìn trường hợp không thể mua bán, chuyển nhượng do đất thương mại dịch vụ được ghi thành đất ở dài hạn và nay buộc phải sửa lại thời hạn trên sổ đỏ là 50 năm. Trong đó, có không ít người sau khi bán đất xong, văn phòng công chứng yêu cầu người mua phải chuyển qua đất có thời hạn mới được làm giấy tờ, gây không ít khó khăn cho họ.

“Hưởng ứng chính sách của thành phố, tôi đã bỏ tiền ra mua đất để làm ăn. Trong khi, chúng tôi có nhiều doanh nghiệp khác thuê lại đất. Vậy bây giờ nếu chuyển đổi, người bỏ tiền mua đất như chúng tôi với người thuê đất cũng giống nhau thì liệu có công bằng?”, bà Võ Thị Ngọc, chủ một doanh nghiệp đặt câu hỏi với đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng.

Kiến nghị xem xét kết luận của Thanh tra Chính phủ

Theo Luật sư Trương Văn Bình (Công ty Luật Bình Minh), việc thu hồi, chuyển đổi giấy tờ đất từ thương mại dịch vụ thành đất ở lâu dài và ngược lại, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Hiện công ty nhận 10 đơn yêu cầu khởi kiện nhưng chưa tư vấn làm đơn vì vẫn muốn thông qua kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ cùng tìm ra lối thoát, có giải pháp hài hòa giữa người dân và chính quyền. Theo ông Bình, kết luận của thanh tra chưa hẳn đã đúng.

Nhiều lô đất bị dừng chuyển nhượng hoặc xây dựng nếu không sửa lại thời hạn sử dụng đất (ảnh: M.H)

Nhiều người dân cũng kiến nghị xem xét lại kết luận của Thanh tra Chính phủ. Theo họ, việc ghi sai thời hạn sử dụng đất thuộc trách nhiệm của chính quyền TP Đà Nẵng trước đây. Nhưng nay họ lại là những người phải gánh chịu hậu quả. Nhiều người không chỉ bị thiệt hại nặng nề mà còn có nguy cơ ngập nợ, trắng tay. Đồng thời việc này gây ảnh hưởng rất xấu đến môi trường đầu tư của Đà Nẵng và uy tín của chính quyền TP.

Đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa - Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng - cho hay việc cấp sai quyền sử dụng đất diễn ra thời gian dài là điều rất đáng tiếc. Phải xử lý như thế nào vừa đảm bảo quy định pháp luật, vừa đảm bảo lợi ích của người dân là rất khó.

Bà Hoa nói, trong kết luận của Thanh tra Chính phủ không tách ra những trường hợp đã chuyển nhượng hay không mà kết luận chung. Do đó, những vấn đề này sẽ được nghiên cứu, ghi nhận ý kiến, đối chiếu với quy định pháp luật.

“Trước mắt, đề nghị đoàn ĐBQH cùng ngành chức năng giúp đoàn có ý kiến với Thủ tướng để tách bạch từng trường hợp. Trong quy định pháp luật về đất đai, trường hợp người có thẩm quyền cấp giấy sai thì tùy mức độ phải xử lý trách nhiệm hành chính và có thể cả hình sự. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình, cố gắng có tiếng nói xem xét lại những nội dung chưa hợp lý trong kết luận thanh tra”, bà Hoa nói.

Ông Nguyễn Bá Sơn - Phó trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng cho biết, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP sẽ cố gắng, nỗ lực hết mình để có kết quả sớm nhất, bảo vệ những quyền lợi của người dân; đeo đuổi kiến nghị đến cùng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tác giả: Minh Hằng

Nguồn tin: Báo Người tiêu dùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP