Tin địa phương

Đà Nẵng đóng cửa 2 nhà máy thép: Lỗi tại quy hoạch, doanh nghiệp chịu hậu quả

Trong suốt 10 năm hoạt động, hai nhà máy Thép Dana-Ý và Dana-Úc phải nhận quyết định di dời của chính quyền TP.Đà Nẵng đến... 3 lần. Điều này khiến doanh nghiệp gặp nhiều thiệt hại dù rằng lỗi không thực sự thuộc về họ.

Được biết, Công ty CP Thép Dana-Ý vừa có đơn kiến nghị gửi tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) CN Đà Nẵng và Hiệp hội Thép Việt Nam để mong muốn được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ.

Bất nhất trong quy hoạch?

Trước đó, vào chiều tối ngày 2/3/2018, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã tiếp xúc với nhân dân thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) để thông báo kết quả của Ban thường vụ Thành Ủy không cho 2 nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc tiếp tục hoạt động; đồng thời thống nhất thu hồi, hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân tại khu vực lân cận thuộc hai nhà máy.

Đi ngược lại thời điểm hình thành hai nhà máy vào năm 2006, Đà Nẵng đã quyết định xây dựng KCN Hòa Khánh mở rộng. Trong giai đoạn 1, các nhà máy Thép Dana-Ý và Dana-Úc đã được yêu cầu di dời đến địa điểm mới. Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng bấy giờ đã ký quyết định bố trí hai nhà máy thép lên KCN Hòa Khánh mở rộng. Thời điểm đó có khoảng 160 hộ dân lân cận nhà máy thuộc diện quy hoạch, sẽ di dời để mở rộng KCN giai đoạn 2, để trồng cây xanh, làm phân tách mềm với KCN. Tuy nhiên, với lý do KCN thu hút được quá ít nhà đầu tư, và nhu cầu phát triển khu dân cư, đô thị mới tăng cao nên một lần nữa TP điều chỉnh quy hoạch dừng mở rộng KCN Hòa Khánh... Vì thế, dân cư cũng không được di dời. Hơn nữa, 150 hộ dân ban đầu phát triển thành 400 hộ và đến phát sinh thành 1.200 hộ, hồ sơ phải đến bù vượt quá dự kiến kinh phí ban đầu.

Hàng trăm người dân bao vây nhà máy Thép Dana Ý (Đà Nẵng) để phản đối việc nhà máy gây ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống.

Khi nhà máy tiếp tục sản xuất, xung đột xảy ra đỉnh điểm, năm 2017, để khắc phục những thiếu sót trong quy hoạch giai đoạn trước, UBND TP.Đà Nẵng đã ra quyết định di dời dân. Lần lượt theo các thông báo số: 197/TB-UBND/2016; 05TB-UBND/2017; 10TB-UBND/2017; 1195TB-UBND-QLĐTư/2017; 730TB-UBND-QLĐTư/2017 nêu rõ: Thống nhất chủ trương giải tỏa di dời các hộ dân tại khu vực lân cận 2 nhá máy theo phương án đề xuất của Sở TNMT và SXD giải toản toàn bộ các hộ dân thôn vân Dương 2, xã Hòa Liên tại phía Tây Nam 2 nhà máy thép. Cho phép nhà máy tồn tại một thời gian để thực hiện lộ trình di dời. Trong thời gian được phép tồn tại, phải có giải pháp nâng cao công nghệ để giảm bớt ô nhiễm môi trường: sau đó thực hiện chuyển đổi công năng sử dụng nhà máy thép sang các loại hình công nghiệp nhẹ, ít ảnh hưởng đến môi trường để đảm bảo theo quy định.

Khu vực đã giải tỏa theo nội dung trên (sau khi trừ bán kính 100m), thống nhất chuyển đổi mục đích sang đất thương mại, dịch vụ phù hợp quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay các thủ tục giải tỏa , đến bù, tái định cư vẫn chưa thông suốt, chậm tiến độ khiến người dân bức xúc bao vây, phản đối hai nhà máy vẫn cứ tiếp tục.

Xem xét trách nhiệm quy hoạch sai lầm trước đây

Đây là nội dung vừa được Công ty CP Thép Dana-Ý mong muốn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) CN Đà Nẵng và Hiệp hội Thép Việt Nam làm rõ trong nội dung đơn kiến nghị vừa được gửi lên hai tổ chức trên.

Theo nội dung phản ánh, với quyết định dừng đột ngột hoạt động hai nhà máy mang đến những hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho doanh nghiệp mà hơn 1.500 công nhân có nguy cơ bị ngừng việc thời gian dài, hoặc mất việc. Doanh nghiệp thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho chi phí di dời, đến bù hợp đồng, lãi vay ngân hàng và hàng loạt các vướng mắc phát sinh khác cùng với sự mất trắng uy tín và thương hiệu mà doanh nghiệp đã dày công xây đắp. Môi trường đầu tư bị ảnh hưởng khi thành phố coi năm 2018 là năm đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Công ty CP Thép Dana Ý mong muốn thông qua các cơ quan chức năng, hiệp hội có tiếng nói kiến nghị lên TP xem xét trách nhiệm của những quyết định điều chỉnh quy hoạch sai lầm trước đây. Trách nhiệm trong quản lý dân cư để có quyết định hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhân dân có lộ trình chuyển đổi và di dời phù hợp tránh những tổn hại về vật chất và tinh thần của các bên liên quan và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Đà Nẵng.

Tác giả: Hương Thu

Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP