Tin địa phương

Đà Nẵng: 'Cứu' biển từ gốc

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng vừa ra 'tối hậu thư' cho các sở ban ngành, địa phương nhằm cứu biển Đà Nẵng khỏi nước thải chưa qua xử lý.

“Tổng tấn công” nhà hàng, quán tạm

Tại cuộc họp thường kỳ của UBND TP.Đà Nẵng sáng 18.6 bàn các nội dung trình kỳ họp HĐND TP giữa năm 2019, nổi lên vấn đề xả thải ra biển Đà Nẵng. Trong đó, bên cạnh các khách sạn vi phạm về hệ thống xử lý, xả thải, xả chui… còn có nhà hàng, quán tạm đổ một lượng lớn chất thải từ chế biến thực phẩm, thức ăn thừa ra cống chung và tuôn thẳng ra biển.

Với tốc độ phát triển đô thị như hiện nay, cho dù đầu tư hàng ngàn tỉ đồng mà không giải quyết cái gốc thì cũng chưa chắc giải quyết được nạn xả thải gây ô nhiễm

Ông Thái Ngọc Trung, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng

Theo báo cáo của Sở TN-MT, đợt kiểm tra mới nhất có 13 khách sạn vi phạm về xả thải ra biển bị phạt hơn 700 triệu đồng, gồm cả những khách sạn đều nằm ở vị trí đắc địa sát biển như Balcona, Risemount Premier Đà Nẵng, Parosand, Paris Deli, Lê Hoàng, Hùng Anh, Parze Ocean, Gemma... Hiện Sở TN-MT đang cho các khách sạn khắc phục và sẽ hậu kiểm cho đến khi đạt kết quả. Đối với các nhà hàng lớn, ngày mai (22.6) Sở TN-MT mời dự hội thảo về công nghệ, hệ thống xử lý chất thải, nước thải, đồng thời yêu cầu lựa chọn cách thức thực hiện phù hợp với đơn vị để chấn chỉnh.

Trong khi đó, Sở Xây dựng cho biết các nhà hàng, quán tạm cũng là tác nhân gây ô nhiễm biển Đà Nẵng vì hầu hết các công trình này không có hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Từ tháng 9.2014 đến nay, Sở Xây dựng cấp 743 giấy phép xây dựng (GPXD) tạm (có thời hạn) trên 10 tuyến đường cảnh quan. Riêng tại Q.Sơn Trà, Sở Xây dựng cấp 55 công trình tạm là các nhà hàng, quán tạm trên trục Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp. Trong đó, 6 công trình hết hạn GPXD, 17 hàng quán không phép, tự chuyển công năng từ nhà ở, biệt thự thành nhà hàng. Sở Xây dựng đang làm việc với UBND Q.Sơn Trà và Q.Ngũ Hành Sơn để giải quyết các vướng mắc trong dẹp nhà hàng, quán tạm.

Người dân ngao ngán trước tình trạng xả thải ra biển Đà Nẵng - Ảnh: ẢNH: NGUYỄN TÚ

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, yêu cầu Sở TN-MT, Sở Xây dựng cùng UBND Q.Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn giải quyết dứt điểm vụ việc. Các khách sạn vi phạm về đánh giá tác động môi trường bên cạnh bị xử phạt còn phải hậu kiểm khắc phục, nếu không đạt thì đình chỉ hoạt động. Đối với nhà hàng, quán tạm trái phép, TP ra “tối hậu thư” cho quận, phường trong 1 tuần phải giải quyết; sau đó lãnh đạo TP kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện sai phạm thì lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm. Công an TP được giao chỉ đạo Phòng Cảnh sát Môi trường tăng cường phối hợp với Sở TN-MT, lên danh sách các khách sạn, nhà hàng, cơ sở gây ô nhiễm để tổng điều tra, xử lý nghiêm.

Ngăn chất thải từ “gốc”

Bên cạnh tổng tấn công các cơ sở xả thải trái phép, không đạt chuẩn, UBND TP.Đà Nẵng cũng đang dành 3.305 tỉ đồng để xử lý thoát nước, đây là mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay với mục tiêu trọng điểm là khắc phục triệt để tình trạng nước thải ra môi trường, nhất là biển. Hệ thống thu gom sẽ đi qua 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, đưa toàn bộ nước thải về trạm xử lý trước khi đổ ra môi rường.

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải TP.Đà Nẵng, giải thích hiện nay hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu vực biển phía đông TP đang dùng cống nước chung cho cả nước mưa và nước thải, nên “trộn lẫn” nước thải hộ dân và cả nhà hàng, khách sạn.

Trong khi hạ tầng không theo kịp tốc độ xây dựng và phát triển du lịch, các nhà máy xử lý đã liên tục nâng công suất nhưng cũng hụt hơi. Do đó, trước mắt cần tổng rà soát hệ thống xả thải của hộ dân, nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn và kiểm soát cải tạo hệ thống xả thải của các thành phần này

Ông Thái Ngọc Trung, Phó giám đốc Sở Xây dựng, cũng cho rằng bên cạnh đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cho hạ tầng và xử lý nghiêm chuỗi khách sạn, nhà hàng sai phạm… thì chuyện “cứu” biển Đà Nẵng cần giải quyết từ cái gốc. Theo ông Trung, với tốc độ phát triển dân cư như hiện nay, nước thải từ hộ gia đình, nhất là ở khu vực biển cũng tạo nên một áp lực cực lớn với hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Ngân hàng Thế giới đang có dự án hỗ trợ thu gom nước thải từ hộ gia đình ở 1 số khu vực trọng yếu bằng đường ống thoát nước phi 200 sau nhà dân. Tuy nhiên, theo ông Trung, “cái gốc” là phải thu gom từ các hộ gia đình, tuy nhiên hiện chưa thể làm được vì phải đầu tư quá lớn.

Đây là lý do cần tăng cường ý thức cho người dân, có lộ trình tiến đến cải tạo hoặc thiết kế xây dựng hệ thống xử lý đơn giản ngay hộ gia đình. “Nếu không, với tốc độ phát triển đô thị như hiện nay, cho dù đầu tư hàng ngàn tỉ đồng mà không giải quyết cái gốc thì cũng chưa chắc giải quyết được nạn xả thải gây ô nhiễm”, ông Thái Ngọc Trung chia sẻ.

Tác giả: Nguyễn Tú

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP