Kinh tế

Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận” và lời cảnh báo của chuyên gia về lỗ hổng Condotel

Nói về những lỗ hổng của Condotel (loại hình căn hộ khách sạn), ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng bản thân hiệp hội đã cảnh báo rủi ro nhiều lần.

Đưa lợi nhuận “khủng” làm “mồi nhử”

Mới đây, Công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô chủ đầu tư Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng vừa thông báo chấm dứt việc chi trả thu nhập theo cam kết theo hợp đồng mua bán, kể từ đầu năm 2020.

Trước đó, khi mở bán dự án, chủ đầu tư đưa ra mức cam kết lợi nhuận 12% mỗi năm, con số này được đánh giá là rất cao tại thời điểm đó. Tuy nhiên, trong văn bản gửi khách hàng, Công ty Thành Đô thông báo chấm dứt việc chi trả thu nhập cam kết. Lý do của việc chấm dứt chi trả cam kết lợi nhuận là bởi doanh nghiệp đang gặp những khó khăn về dòng tiền.

Chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng đã chính thức thừa nhận sẽ không thực hiện được việc chi trả lợi nhuận cam kết.

Trước thông tin này, không ít khách hàng đã đầu tư vào Condotel “khóc dở mếu dở”. Vậy lỗ hổng của loại hình này là gì?

Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết từ năm 2016, hiệp hội đã đưa ra nhiều cảnh báo, đến nay dự án Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận” cam kết lợi nhuận không nằm ngoài những cảnh báo đó.

“Hiệp hội chúng tôi không bao giờ ủng hộ mù quáng với Condotel. Condotel là cần thiết nhưng không ủng hộ cách làm mang tính chất đẩy rủi ro cho khách làm. Bởi, chủ đầu tư họ muốn bán nhanh, thu hồi vốn ngay, chốt lãi ngay nên đưa mồi nhử lãi vay lợi nhuận quá cao. Bây giờ, khi khai thác kinh doanh không đạt, thì rủi ro thuộc về khách hàng”, ông Lê Hoàng Châu phân tích.

Nói thêm về lỗ hổng của Condotel, ông Lê Hoàng Châu cho hay: “Tới nay, theo đề nghị của hiệp hội thì Chính phủ đã chỉ đạo 3 Bộ báo cáo cuối năm 2018, nhưng chốt lại cuối năm 2019 phải trình Thủ tướng Chính phủ để quyết.

Nhưng tới giờ này, mới có bộ Xây dựng trình quy chuẩn thiết kế căn hộ Condotel, mới đề xuất cũng chưa hoàn chỉnh. Còn bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch phải trình Chính phủ quy chế quản lý vận hành đối với Condotel. Bởi, đây là sản phẩm đa sở hữu chứ không phải sở hữu riêng của chủ đầu tư, khu du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài ra, còn có các nhà đầu tư thứ cấp.

Thêm nữa, bộ Tài nguyên và Môi trường phải trình Chính phủ để hướng dẫn cấp sổ đỏ cho người mua căn hộ Codotel. Bởi, Khánh Hoà, Đà Nẵng và một số nơi đã cấp sai khi cấp sổ đỏ ổn định lâu dài. Hiệp hội chúng tôi đã nói rất rõ hiện nay có thể cấp sổ đỏ, nhưng sổ đỏ có thời hạn, quyền sở hữu căn hộ có thời hạn theo thời hạn của dự án”.

Ông Lê Hoàng Châu cũng chia sẻ tiếp về một lỗ hổng nữa đó là: “Pháp lý về pháp luật dân sự, chủ đầu tư cứ nói vống lên cam kết lợi nhuận, nhưng không có bất cứ một biện pháp, chế tài nào. Thì rõ ràng, chủ đầu tư dùng điều này làm mồi nhử. Đó là những lỗ hổng”.

Cũng trao đổi thêm về 3 giải pháp mà nhà đầu tư Công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô đưa ra như: “Phương án thứ nhất, khách hàng tiếp tục hợp tác với chủ đầu tư và tiến hành chuyển đổi các Condotel thành căn hộ chung cư với chi phí chuyển đổi dự kiến 15% giá trị căn hộ và được toàn quyền sử dụng như một căn hộ chung cư bình thường. Điều này, chẳng khác gì bán thêm hàng, bán hàng mà lại giữ được sản phẩm căn hộ Condotel cho chính chủ đầu tư.

Như vậy, đây có phải là một thủ đoạn kinh doanh hay không? Bởi anh dìm hàng của Condotel không hiệu quả, tìm mọi cách mua rẻ lại, thâu tóm lại bằng giải pháp này. Vừa bán được hàng mới, vừa thu lại được căn hộ Condotel, sau này sẽ nỗ lực kinh doanh hiệu quả, lúc đó nhà đầu tư thứ cấp thiệt hại.

Thứ hai, giảm lãi từ 12% xuống 5,6%, đây cũng là giải pháp nhưng là sự bội tín. Ban đầu, hứa cam kết là 12%, nhưng là ép khách hàng.

Thứ ba, nói mua lại condotel trả lại tiền nhưng không nói trả lợi nhuận, bởi nộp vào 7-8 năm nay mà chỉ thu về tiền ban đầu bỏ vào, không có đồng lãi nào thì thiệt hại bao nhiêu?”.

Ông Lê Hoàng Châu cho biết, hiệp hội không bao giờ ủng hộ mù quáng với Condotel.

Theo ông Lê Hoàng Châu, dự án condotel đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện vào năm 2009 ở Nha Trang, cái gốc của condotel là đầu tư tài chính.

“Trên thế giới không có chuyện nhà đầu tư thành chủ sở hữu từng căn hộ condotel, một số nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam mới biến tướng ra việc này”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Rủi ro là…mất tiền

Trao đổi thêm với PV, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng các chuyên gia đã khuyên, chỉ ra rủi ro rất lớn về loại hình này. Nhưng, người dân không nghe vẫn đầu tư theo lời hứa.

“Đầu tư bất động sản thì tính pháp lý phải đặt lên hàng đầu, khi pháp lý chưa công nhận loại hình này mà anh đầu tư vào thì rủi ro đó là điều không tránh khỏi”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay.

Nhiều ý kiến cho rằng nên có một khung pháp lý cho loại hình Condotel, nhưng vị chuyên gia này bày tỏ: “Đã bàn và không cho phép, còn nếu có khung pháp lý phải sửa đổi luật đất đai”.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, rủi ro của người dân gặp phải khi đầu tư vào loại hình Condotel đó là “rủi ro… mất tiền”.

“Người ta khuyên không nên đầu tư vào, nhưng chủ đầu tư cam kết, cam kết ở đâu có nghĩa chỉ là lời hứa. Lời hứa có thể thực hiện có thể không, mà quá tin lời hứa xuông là không ổn. Có người không tìm hiểu kỹ nên đâm lao phải theo lao”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Tác giả: Thanh Lam

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: Cocobay Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP