Kinh tế

Chủ Khách sạn Sheraton Đà Nẵng: Khó khăn chồng chất

Kết thúc năm 2019, Công ty CP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương tiếp tục báo lỗ hơn 143 tỷ đồng. Dù hiệu quả hoạt động kinh doanh đã được cải thiện, song gánh nặng chi phí lãi vay lớn đã “ăn mòn” toàn bộ lợi nhuận gộp của Công ty. Công ty đang và sẽ gặp nhiều thách thức hơn khi ngành khách sạn, du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19.

Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng lỗ lũy kế của Công ty CP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương lên tới 334 tỷ đồng. Ảnh: Chu Du

Gánh nặng chi phí lãi vay

Công ty CP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương là chủ một trong những khách sạn có quy mô lớn nhất tại TP. Đà Nẵng mang thương hiệu Sheraton Grand Danang Resort. Khách sạn được xây dựng trên khu đất 8,38 ha, bao gồm trung tâm hội nghị, nhà hàng tiêu chuẩn 5 sao tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng.

Được đưa vào vận hành và khai thác từ đầu năm 2018, song hiệu quả kinh doanh của Khách sạn chưa đủ để bù đắp các khoản chi phí ban đầu, trong đó lớn nhất là chi phí khấu khao tài sản cố định, phân bổ công cụ dụng cụ và chi phí lãi vay. Năm 2018, Công ty chỉ đạt 259 tỷ đồng doanh thu, lỗ trước thuế lên tới 178 tỷ đồng.

Năm 2019, hoạt động kinh doanh của Công ty được cải thiện khi doanh thu tăng 48% lên mức 382 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 5% lên 26%, giúp lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty tăng lên mức 100,7 tỷ đồng, gấp 9 lần so với con số 13,5 tỷ đồng đạt được trong năm 2018. Tuy vậy, sau khi trừ đi chi phí lãi vay (132 tỷ đồng) và chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (khoảng 114 tỷ đồng), Công ty lỗ tới 143 tỷ đồng.

Cùng với con số lỗ 178 tỷ đồng trong năm 2018, tổng lỗ lũy kế của Công ty tại thời điểm cuối năm 2019 lên tới 334 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 80,5 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm cuối năm 2019, số dư vay và nợ thuê tài chính (dài hạn và ngắn hạn) của Công ty ở mức 1.114 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với thời điểm đầu năm (1.125 tỷ đồng). Theo Báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý IV/2019, Công ty đã dành ra gần 182 tỷ đồng để thanh toán nợ gốc vay, nhưng cũng đi vay thêm 170,5 tỷ đồng trong năm 2019. Điều này cho thấy chi phí tài chính sẽ tiếp tục là gánh nặng cho Công ty trong năm 2020.

Khó khăn do Covid-19

Với hoạt động chính là cung cấp dịch vụ lưu trú hạng sang, trong đó lượng khách du lịch quốc tế là nguồn khách hàng quan trọng, doanh thu của Công ty sẽ gặp nhiều thách thức khi ngành khách sạn, du lịch là đối tượng chịu tác động tiêu cực trực tiếp bởi dịch Covid-19.

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, dù lượng khách du lịch đến Thành phố ghi nhận tăng trưởng trong tháng 1/2020, song dự kiến trong tháng 2-3/2020, hoạt động du lịch của Thành phố sẽ bị sụt giảm mạnh bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng trong quý I/2020 ước khoảng 1,3 triệu lượt, giảm 31,2% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, lượng khách quốc tế khoảng hơn 700 nghìn lượt, giảm 17,6% so với quý I/2019.

Công suất buồng phòng bình quân của khối lưu trú hiện nay chỉ đạt 25 - 30%, giảm gần 50% so với cùng kỳ 2019. Dự kiến trong tháng 3/2020, tình hình còn kém khả quan hơn với lượng khách hủy đặt phòng cao hơn, công suất buồng phòng sẽ chỉ đạt 20 - 25%.

Tác giả: Thế Anh

Nguồn tin: Báo Đấu thầu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP