Trong nước

‘Chênh lệch giàu nghèo giữa các nhóm dân cư chưa được thu hẹp’

Tỷ lệ hộ nghèo giảm gần 1,6% mỗi năm, tuy nhiên chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư chưa được thu hẹp.

Sáng 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân gần 1,6% mỗi năm, vượt mục tiêu đề ra.

Năm 2017, còn hơn 1,6 triệu hộ nghèo trong tổng số 24,5 triệu hộ dân cả nước.

Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Dung thừa nhận kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo bình quân 5,1% mỗi năm so với tổng số hộ thoát nghèo.

Số hộ nghèo phát sinh thêm tương đối lớn, bằng 23% so với tổng số hộ thoát nghèo, do các nguyên nhân như: Tách hộ, thiên tai, lũ lụt, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: QH.

“Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày.

Điều đáng lo ngại khác được ông Dung chỉ ra là chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư cả nước tăng từ 9,7 lần năm 2014 lên 9,8 lần năm 2016.

Hệ số Gini (hệ số bất bình đẳng thu nhập giữa các vùng miền, tầng lớp) có xu hướng tăng, từ 0,43 năm 2014 lên 0,431 năm 2016.

Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm một nửa số hộ nghèo và thu nhập chỉ bằng 2/5 bình quân cả nước.

Chất vấn tình trạng "dê, bò đi vào nhà chủ tịch xã"

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu vấn đề, thời gian qua dư luận phản ánh tình trạng một số cán bộ đưa người thân không đúng quy định vào danh sách hộ nghèo để trục lợi chính sách.

Nhiều trường hợp được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, cây con giống không phải hộ nghèo; sai phạm trong sử dụng vốn thất thoát, lãng phí. “Báo chí đưa tin nhiều vụ dê, bò đi vào nhà chủ tịch xã. Chúng tôi muốn biết thực tế tình trạng này và xử lý như thế nào?”, bà Nga chất vấn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận có việc cán bộ trục lợi chính sách giảm nghèo. Ông dẫn chứng trường hợp chủ tịch xã ở Nam Định tìm mọi cách cho con đi làm con nuôi người khác để đưa vào nhận chính sách xoá đói, giảm nghèo; đã có chủ tịch xã phải đi tù vì chuyện này.

“Các trường hợp vi phạm khi phát hiện đều được xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật”, ông Dung nói.

Hơn nữa, ông Dung cho rằng, từ khi xét hộ nghèo theo tiêu chí công khai, minh bạch thì cơ bản đã khắc phục được tình trạng trục lợi.

12 tỉnh có tỷ lệ tái nghèo tăng rõ rệt

Tại phiên họp, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho biết, đến tháng 3/2018, tuy đã có 8/64 huyện thuộc Nghị quyết 30a (về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo) thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng lại bổ sung 29 huyện vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 – 2020.

12 tỉnh có tỷ lệ tái nghèo tăng rõ rệt (tăng từ 0,03% trở lên), trong đó có cả một số tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi (như Vĩnh Phúc, Khánh Hoà, Kiên Giang); số hộ tái nghèo bằng khoảng 1/20 số hộ thoát nghèo; số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo; nhiều tỉnh thuộc khu vực bị thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng có tỷ lệ phát sinh hộ nghèo mới hàng năm rất cao.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ lo ngại và nhấn mạnh không thể để xảy ra tình trạng nhiều tỉnh đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Nam Định... lại có tỉ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo mới cao hơn các tỉnh miền núi phía Bắc thường xuyên phải chịu nhiều thiên tai, lũ lụt, cuộc sống khốn khó như Lai Châu, Hà Giang, Sơn La.

Tác giả: Viết Tuân

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP