Trong nước

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao báo cáo Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải

Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói hết việc Hồ Duy Hải có oan sai hay không trên diễn đàn Quốc hội

Tại phiên thảo luận của Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 sáng 15/6, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có báo cáo về vụ án Hồ Duy Hải được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Theo đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, đây là một vụ án đã xảy ra từ năm 2008. Trải qua quá trình tố tụng, nhiều cấp đã được liên ngành thẩm định và trong Đoàn giám sát oan sai của Quốc hội năm 2015 cũng đã xem xét về vụ này.

“Qua sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và đã đến Chủ tịch nước quyết định, bây giờ câu chuyện đặt ra là có oan sai hay không? Tôi sẽ tập trung trả lời, Hồ Duy Hải có phạm tội hay không, có oan sai hay không. Đây là câu hỏi lớn mà đại biểu quan tâm và dư luận quan tâm”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Tóm tắt vụ án, ông Bình cho biết, Hồ Duy Hải quen 2 cô gái ở bưu điện Cầu Voi. Tối 13/1/2008, Hải đến đó chơi. Khi đó, cô Vân đang trực, cô Hồng đang nghỉ nên Hải vào nói chuyện với cô Hồng.

Theo hồ sơ vụ án, quá trình nói chuyện, nam, nữ chưa chồng cũng có tán tỉnh, sờ soạng. Sau đó, Hải có ý định quan hệ tình dục với Hồng cho nên đã đưa tiền cho Vân đi ra ngoài mua trái cây.

Ở nhà, Hải dẫn cô Hồng vào trong buồng ngủ, vật cô này ra. Hồng phản ứng, bỏ chạy, đạp Hải một cái vào bụng. Hải đuổi theo, cô Hồng la lên. Sợ bị lộ nên Hải đuổi theo.

“Nơi cô ấy ngã gần một cái thớt nên Hải cầm thớt đập vào đầu, sau đó cắt cổ. Còn cô gái đi mua trái cây về thấy bạn bị giết thì cũng bị Hải giết luôn theo cách tương tự, cắt cổ”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho hay.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng kể ra các chứng cứ để chứng minh Hải phạm tội. Cụ thể, thứ nhất, cơ quan điều tra cho Hải mô tả hiện trường, Hải mô tả chính xác những đồ vật có trong hiện trường.

“Nếu không có mặt tại hiện trường thì không thể mô tả được. Trong đó có 2 điểm lưu ý của việc mô tả. Một là, những đồ vật ở trong phòng ngủ của cô Hồng.

Bưu điện là nơi công cộng, bên ngoài ai cũng có thể biết, nhưng trong phòng ngủ thì không có mặt trong hiện trường là không biết.

Hai là, vị trí của những đồ vật rời. Ví dụ, như con gấu, tờ báo, cốc nước, túi trái cây… hôm nay có thể để chỗ này, ngày mai có thể để chỗ khác. Con gấu có thể để ở đầu giường, có thể trên kệ, có thể trên bàn, có thể trên ghế, nhưng tất cả các đồ vật rời đó Hải đã mô tả đúng vị trí ở thời điểm xảy ra vụ án”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nói.

Thứ hai, diễn biến hành vi. Hải khai là quá trình sờ soạng cô không nói gì, nhưng khi đè cô ấy ra thì phản ứng đạp vào bụng.

“Hiện trường để lại là gì? Một là, áo ngực của cô gái ở trên ngực, phản ứng bình thường của người phụ nữ khi ngồi dậy là phải sửa, nhưng do phản ứng tức thì cho nên cô gái không kịp sửa.

Việc thứ hai là do đập đầu bằng thớt thì bản ảnh hiện trường là thớt dính máu nằm bên cạnh đầu của cô Hồng và trên đỉnh đầu của cô Hồng có 1 vết thương.

Kết luận của pháp y là do tác động của vật cứng mặt phẳng, nếu vật lồi lõm thì sẽ để lại vết lõm ở trên đầu, nhưng do mặt phẳng. Người ta không nói là cái thớt nhưng người ta nói là vật cứng, mặt phẳng. Đấy là sự phù hợp thứ hai”, ông Bình thông tin.

Sự phù hợp thứ ba, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, là giám định pháp y cho thấy trong âm đạo của cô Hồng có dịch và cơ chế hình thành dịch theo bác sĩ pháp y nói là do quá trình kích dục có sự đụng chạm vào những vùng nhạy cảm của cơ thể. Đó là diễn biến hành vi.

Về tài sản cướp được, Hải khai sau khi giết 2 cô gái thì có lấy của bưu điện một số tiền và một số sim card, lấy của 2 cô gái một số nữ trang như dây chuyền, vòng tay, nhẫn.

Ở thời điểm khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không thể biết là Hải lấy được gì vì không biết cô gái có cái gì mất.

Nhưng đến khi bắt được Hải thì Hải khai ra lấy được của cô này dây chuyền và vòng. Cơ quan điều tra đã hỏi người thân, gia đình, cha mẹ của các cô gái thì người ta mô tả đúng đồ vật mà 2 cô gái này đã có. Bưu điện cũng đã nói rõ là người ta đã mất bao nhiêu tiền và bao nhiêu sim card.

“Có một chi tiết rất đáng lưu ý có giá trị chứng minh là Hải khai lấy được dây chuyền của cô Hồng thì có mặt, còn của cô Vân thì dây chuyền không có mặt. Kết quả khám nghiệm hiện trường thì mặt dây chuyền của cô Vân ở tại hiện trường, nằm trong ngực áo của cô Vân”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh.

Theo ông Bình, cơ quan điều tra đã yêu cầu Hải khai nơi tiêu thụ số tài sản này. Hải đã vẽ chính xác địa chỉ nơi bán vàng là cửa hàng vàng và nơi bán điện thoại là điện thoại mà Hải đã lấy được ở bưu điện.

“Cửa hàng vàng và cửa hàng điện thoại mua đồ cũ có thể nhiều người biết, nhưng có những chi tiết cơ quan tố tụng xét thấy nó phù hợp rất ngẫu nhiên, tức là Hải khai tại cửa hàng ở quầy này có người phụ nữ lớn tuổi bán, ở quầy này có người phụ nữ nhỏ tuổi hơn bán.

Đặc biệt về giá cả cơ quan điều tra xác minh giá của chiếc điện thoại cũ ở thời điểm này mua với giá 200.000 đồng (người ta không thể nhớ được là đã mua của ai) và phù hợp với lời khai của Hải là đã bán được 200.000 đồng”, ông Bình nói.

Vẫn theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, người ta khai phương thức thanh toán và giá cả của các đồ trang sức mà Hải mua cũng phù hợp với phương thức thanh toán mà Hải đã khai.

“Trong quá trình đi bán vàng do sợ bị theo dõi cho nên Hải không nhìn vào người bán vàng ở cửa hàng mà nhìn ra ngoài đường để xem có bị ai theo dõi, đó là theo lời khai của Hải.

Người bán vàng khai với cơ quan điều tra rằng là đối với những trường hợp thông thường người ta bấm vào máy tính và họ chìa máy tính ra giá cả, anh có đồng ý hay không thì mua bán còn nếu không đồng ý thì thôi.

Nhưng do Hải không nhìn vào máy tính cho nên người ta buộc phải viết ra tờ giấy và sau khi ra khỏi cửa hàng Hải đã vứt đi. Đấy là sự phù hợp về phương thức thanh toán và giá cả, về người bán hàng”, Chánh án nói.

Ông Bình cũng cho biết, có rất nhiều chứng cứ khác hay ví dụ như hung khí. Theo ông, ở thời điểm khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không thể biết được rằng thớt chính là hung khí, chỉ khi bắt được Hải, Hải khai ra là đã dùng thớt đập vào đầu thì người ta mới biết đây là hung khí, lúc đó cái thớt đã bị dọn đi.

Còn con dao, Hải khai là ở bên tường của nhà bưu điện có một bảng và Hải đã dắt dao vào bảng đó, không ai tìm thấy dao cả, chỉ có Hải mới biết được vị trí của con dao.

“Sau này, cơ quan điều tra thấy rằng sau khi khám nghiệm hiện trường có 3 anh dân phòng vào dọn phòng Bưu điện đó, người ta phun nước và người ta dỡ bảng đó ra, thấy có 1 con dao rơi xuống, người ta đã vứt con dao đi, người ta sơ suất vứt đi.

Cơ quan điều tra đi tìm con dao đó không được nên sau này cho 3 anh dân phòng mô tả con dao và đi mua dao về. Dư luận thì nói mua dao ngoài chợ về để thay hung khí, nhưng trong hồ sơ vụ án không có chỗ nào mua dao về thay hung khí cả, mua dao, mua thớt, vật tương tự để cho Hải nhận diện, để cho những người có liên quan nhận diện xem có đúng với dao và thớt đã có mặt tại hiện trường hay không và được sử dụng làm hung khí hay không. Kết quả là để ra một loạt dao thì Hải nhận diện đúng dao đã sử dụng hôm gây án”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao lý giải.

Theo ông Bình, dù khi khai thì lời khai có không thống nhất, lúc thì ngắn, lúc thì dài nhưng khi tổ chức nhận diện với nhiều dao khác thì đã nhận diện ra con dao mà 3 anh dân phòng đã vứt đi khi dọn căn phòng đó.

“Còn nhiều chứng cứ khác không thể cùng thời gian ngắn thế này nói hết được. Rất nhiều nội dung khác, nếu đại biểu nào quan tâm chúng tôi sẵn sàng phục vụ, trao đổi thông tin”, ông Bình cho biết.

Vẫn theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Hồ Duy Hải có 25 lời khai nhận tội. Lời khai nhận tội đầu tiên do Hải tự viết ra chứ không phải là do một bản cung, viết ra khá chi tiết, không phải là bản hỏi.

“Ở những thời điểm quan trọng của vụ án thì Hải đều thừa nhận. Khi nhận kết luận điều tra của cơ quan điều tra Hải nhận tội, kết luận điều tra là đúng.

Khi nhận cáo trạng của Viện kiểm sát Hải cũng khẳng định cáo trạng là đúng. Kết thúc phiên tòa phúc thẩm thì gửi đơn cho Chủ tịch nước Hải cũng không kêu oan, kể cả sau sơ thẩm cũng thế, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Người kêu oan nhiều nhất lại là mẹ của Hải ở ngoài xã hội”, ông Bình nói.



Tác giả: Hoàng Nam

Nguồn tin: phapluatplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP