Kinh tế

Bộ Công Thương: Thực phẩm chức năng giả chủ yếu từ Trung Quốc

Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường, thực phẩm chức năng giả được nhập chủ yếu từ Trung Quốc đưa về và được ngụy trang bằng thương hiệu nổi tiếng, sau đó tuồn vào nội địa.

Sáng nay (31/7), Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) đã có buổi họp báo thường kỳ về công tác 6 tháng đầu năm. Cuộc họp báo nóng ngay từ đầu khi báo chí liên tục đặt câu hỏi về các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả xảy ra liên tiếp thời gian vừa qua.

Rút phép nếu bán thực phẩm chức năng giả

Nói về vấn nạn buôn bán thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm giả… trên mạng, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết cơ quan này đã có cuộc làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để bàn cách tiếp cận và xử lý hành vi đăng tin rao bán hàng trên mạng Internet, Facebook.

Cục Quản lý thị trường cho biết thực phẩm chức năng chủ yếu được nhập về từ Trung Quốc. Ảnh: Sức Khỏe và Đời Sống.

“Vấn đề này cần phối hợp xử lý cùng lực lượng cảnh sát công nghệ cao vì nhiều trường hợp đăng lên gỡ ngay, khó xử lý. Chúng tôi có thể lập biên bản xử lý được ngay những trường hợp vi phạm sau khi xác minh với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số”, ông Tín nói.

Vị này cũng nhấn mạnh thực phẩm chức năng giả chủ yếu từ Trung Quốc đưa về, ngụy trang bằng đủ các hình thức và tập kết hàng tại các địa bàn hẻo lánh hiểm trở, sau đó đưa qua các đường mòn nhỏ lẻ để vào thị trường nội địa.

“Các đối tượng lựa chọn từng thời điểm để tung ra thị trường hoặc lợi dụng các thương hiệu có uy tín để làm giả. Đây là vấn đề rất nhức nhối”, ông Tín nhấn mạnh.

Nguyễn Văn Nhiên, Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế, cho biết thêm công tác phòng chống hàng giả, gian lận thương mại là nhiệm vụ liên ngành, không riêng ngành y tế. Vị này cũng nhấn mạnh sẽ tăng cường công tác hậu kiểm các mặt hàng dược phẩm.

“Chúng tôi sẽ thanh tra, kiểm tra một cách liên tục, gồm thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện vi phạm thì rút giấy phép. Ngoài ra còn xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự”, ông Nhiên nói.

Tiếp tục điều tra vụ Con Cưng

Tại cuộc họp, báo chí đặt câu hỏi về trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường khi để xảy ra vụ việc tại chuỗi cửa hàng Con Cưng (tại TP.HCM) cũng như việc doanh nghiệp rao thưởng 1 tỷ đồng cho người dùng phát hiện có hàng hóa sai phạm có phải nhằm thách thức cơ quan chức năng và người tiêu dùng.

Cục Quản lý thị trường vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ các hành vi của Con Cưng. Ảnh: Lê Quân.

Ông Tín cho biết Cục Quản lý thị trường đã trực tiếp chỉ đạo Chi cục TP.HCM kiểm tra 3 cửa hàng 833, 835 đường Hồng Bàng; cửa hàng 78 Tôn Thất Tùng; cửa hàng số 424 Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM).

Cơ quan chức năng phát hiện cửa hàng kinh doanh hàng hoá nhập khẩu không có hoá đơn chứng từ; hàng hoá "Made in Vietnam" nhưng ngôn ngữ trình bày không phải bằng tiếng Việt; kinh doanh hàng hoá nhập nhèm, đè nhãn mới lên nhãn gốc; hàng mỹ phẩm có dấu hiệu trái phép; kinh doanh hàng hóa không ghi đầy đủ các nội dung quy định; thực hiện nhiều chương trình khuyến mại nhưng chưa xuất trình được giấy tờ; túi nylon đựng sữa công nghệ Đức nhưng không phải…

“Các hành vi này đã được ghi nhận và tiếp tục điều tra làm rõ. Vụ Con Cưng tiếp tục làm và sẽ làm triệt để hơn ngoài địa bàn TP.HCM. Mức xử lý vi phạm như thế nào thì đang tiếp tục làm”, ông Tín nói.

Tuy nhiên, vị này không bình luận về trách nhiệm của đơn vị quản lý thị trường khi để xảy ra vụ việc, cũng như việc Con Cưng treo thưởng 1 tỷ đồng có phải là hành động thách thức cơ quan chức năng và người tiêu dùng.

Liên quan đến câu hỏi về tiến độ xử lý vụ Khaisilk và VN Pharma, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường nói ngắn gọn toàn bộ vụ việc đã chuyển cho cơ quan điều tra.

Tác giả: Hiếu Công

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP