Kinh tế

Bế tắc xử lý dự án nghìn tỷ thua lỗ vì "đói" vốn

Các báo cáo đưa ra gần đây đều cho thấy bức tranh 12 dự án, nhà máy yếu kém của ngành công thương phần nào đã sáng sủa hơn. Một số nhà máy đã bắt đầu có lãi, một số khác khi vận hành trở lại đã bắt đầu giảm lỗ… Tuy nhiên, xuyên suốt trong quá trình vực dậy các dự án, vấn đề về nguồn vốn vẫn còn rất nan giải…

Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình - một trong 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ ngành công thương.

Kiên quyết không dùng ngân sách "cứu" dự án thua lỗ

Tại cuộc họp vừa diễn ra của Ban chỉ đạo xử lý yếu kém, tồn tại của 12 dự án ngành công thương, Chính phủ một lần nữa lại khẳng định, nguồn lực từ ngân sách, tín dụng Nhà nước sẽ không có để "cứu" các dự án, nhà máy yếu kém này.

"Chính phủ kiên quyết không cấp thêm xu nào cho dự án các yếu kém này, phải xử lý theo nguyên tắc thị trường", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo khẳng định như vậy tại cuộc họp.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ngân sách không chi thêm thì các dự án này sẽ được xử lý thế nào nếu không cho phá sản. Lãnh đạo một địa phương có dự án nghìn tỷ thua lỗ từng đặt vấn đề: Quan điểm của nhà nước là không có "bà đỡ" đối với các dự án như thế này, nhưng nếu không "đỡ" thì hoạt động đến đâu, vấn đề này phải bàn.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn PVN Trần Sỹ Thanh cho biết, các nhà máy, dự án của PVN như PVTex đang gặp khó khi không được dùng tiền ngân sách, kể cả tiền của PVN để "cứu" các nhà máy, dự án yếu kém.

Do vậy, tân Chủ tịch PVN vừa đưa đề nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo cho phép PVN được dùng tiền của Tập đoàn với tư cách là các nhà đầu tư để chi trả hoạt động của các nhà máy với thời gian thu hồi vốn được xác định rõ. Ông Thanh cũng cho rằng nên áp dụng cơ chế này cho các dự án, nhà máy khác đang thiếu vốn để khởi động lại sản xuất.

Trong 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của ngành công thương, có tới 5 dự án trong số đó thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Cụ thể, đó là 5 dự án: Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTex); Nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhà máy đóng tàu Dung Quất.

Không chỉ 5 dự án thuộc PVN, hầu hết các dự án còn lại cũng trong tình trạng "đói" vốn để sản xuất, kinh doanh. Mới đây, tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Công Thương, lãnh đạo nhà máy đạm Ninh Bình cho biết, sản xuất mới bước đầu đi vào ổn định, tuy nhiên khó khăn lớn nhất để có thể vận hành một cách liên tục đó là vấn đề về vốn.

Hiện nhà máy tạm thời đang sử dụng 100% doanh thu bán hàng để quay vòng vốn mua nguyên nhiên vật liệu để duy trì sản xuất đợt 1 năm 2018 (chỉ duy trì đến khoảng giữa tháng 3/2018). Trong khi đó các ngân hàng vẫn đang cho vay với hình thức cho vay thu nợ, "trả 10 cho vay 9".

Ông Vũ Văn Nhẫn - Tổng giám đốc Công ty TNHH Đạm Ninh Bình cho biết, mong muốn lớn nhất của nhà máy là có nguồn vốn lưu động để sản xuất. Bởi nếu cứ tiếp tục tổ chức sản xuất chỉ bằng nguồn tiền khách hàng thu về thì không thể làm chủ được giá thị trường được. Trong khi đó, nếu dừng vận hành thì thua lỗ còn lớn hơn so với việc hoạt động, sản xuất.

Lấy vốn ở đâu?

Hầu hết các chuyên gia đều nhận định rằng, vấn đề thua lỗ của các DNNN một phần do chính sách ưu đãi và sự can thiệp của Nhà nước vào kinh doanh. Các doanh nghiệp này vốn dĩ đã nhận được quá nhiều ưu đãi của Nhà nước về vốn, thuế, đất đai… tuy nhiên đều không hiệu quả. Do vậy, việc ngừng "đổ" thêm ngân sách vào các dự án nghìn tỷ yếu kém này là quyết định cần thiết.

Ngay đối với đề xuất của Chủ tịch PVN đó là dùng vốn PVN để "vực dậy" các dự án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, việc này còn đang vướng quy định của Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cần đề xuất tới Thường trực Chính phủ xem xét, làm rõ quy định việc đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Không được "rót" ngân sách, lãnh đạo nhà máy đạm Ninh Bình đã đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ để ngân hàng cho vay 350 tỷ đồng làm vốn lưu động, phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời cho vay thêm 1 gói hơn 200 tỷ đồng trong 3 năm để thực hiện kế hoạch đại tu năm 2018. Cùng với đó là đề xuất về ưu đãi lãi suất vốn vay.

Chủ tịch tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến cho rằng, ngân hàng cũng cần phải có những hỗ trợ nhất định vì doanh nghiệp có tồn tại thì mới trả được nợ. Về phía quản lý nhà nước cũng cần có những hỗ trợ, tạo điều kiện, cũng cần có vai trò nhất định trong việc "vực dậy" nhà máy.

Từ phía góc nhìn chuyên gia, TS .Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng về bản chất chính là cơ cấu lại tài chính và Nhà nước nên để thị trường xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Theo đó, Nhà nước phải thông tin đầy đủ, chính xác để thị trường và các nhà đầu tư sẵn lòng xông vào xử lý những dự án này.

"Có những dự án có thể cho phá sản nhưng nếu nhà đầu tư tiềm năng thấy tốt thì phải để lại. Còn những dự án mà thị trường, nhà đầu tư không thích thì phải giải tán, phá sản. Những nhà đầu tư chiến lược mới sẽ cơ cấu lại nợ, tài chính và chính họ quyết định chiến lược nhân sự và kinh doanh tiếp theo của các dự án ấy", TS. Thành nêu quan điểm.

Trong khi đó, có ý kiến lại cho rằng, các DNNN hiện nay vẫn có lợi thế về vốn, đất đai, tài sản… thì hãy để họ tự cạnh tranh, phát triển. DNNN nào quá yếu kém, Nhà nước đã hỗ trợ cả thuế, giãn nợ mà vẫn không khá lên được thì phải cho phá sản, không cản trở các doanh nghiệp khác phát triển.

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP