Giáo dục

Bát nháo chất lượng trung tâm ngoại ngữ

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đầu năm học, đơn vị này đều có các văn bản chỉ đạo siết chặt quản lý các trung tâm ngoại ngữ, đồng thời kiểm tra đột xuất một số cơ sở giáo dục ngoài nhà trường. Tuy nhiên, để biết được trung tâm nào chất lượng, có đội ngũ giáo viên uy tín, hầu hết đều phải đóng vai “người học thông minh” để tự tìm hiểu.

Xúc phạm học viên, hoạt động “chui”, “đạo” tài liệu…

Cách đây không lâu, việc bà Nguyễn Thị Kim Tuyến ở Trung tâm Ngoại ngữ MST (Hà Nội) xưng “tao mày”, chửi học viên là óc lợn khi tranh cãi về 100.000 đồng tiền phạt đã khiến dư luận “dậy sóng”.

Ngay sau đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã vào cuộc thanh tra, kiểm tra và phát hiện trung tâm này hoạt động “chui”, chưa được cấp phép của Sở và chính quyền địa phương. Bản thân bà Nguyễn Thị Kim Tuyến chỉ có bằng kế toán nhưng vẫn đứng lớp dạy tiếng Anh để thu tiền xúc phạm người học.

Dư luận chưa lắng xuống, một giáo viên tiếp tục “tố” Trung tâm Anh ngữ Langmaster “đạo” video và mạo danh cố vấn.

Giáo viên này cho biết, anh đã tìm được 100 video được copy từ nhiều nơi khác nhau được trung tâm này sử dụng để giảng dạy như là tài liệu của mình. Chưa kể, trung tâm còn nhận cộng tác với một số chuyên gia nhưng khi phóng viên phỏng vấn, các chuyên gia này đều bảo mạo danh.

Ông Tony Dzung, người sáng lập hệ thống Langmaster đã phải đưa ra lời xin lỗi qua video dài 3 phút, đồng thời hạ toàn bộ các video vi phạm.

Hay trước đó, câu chuyện “cô giáo cung bọ cạp” mắng chửi giáo viên khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Và mới đây, ngày 17/10/2018, Trung tâm ngoại ngữ TC bị “tố” có một cơ sở đang hoạt động “chui”, giáo viên không đúng như quảng cáo khiến nhiều người lo ngại.

Theo quảng cáo trên website, trung tâm ngoại ngữ TC có hai cơ sở, một ở phố Bạch Mai và một ở phố Thái Hà.

Trong vai người học gọi đến số hotline có 3 số cuối là 098 xxx247 trên phố Thái Hà, để xác nhận cụ thể hơn về việc cơ sở này có phải đang hoạt động “chui” như báo chí phản ánh không, chúng tôi được một nhân viên cho biết: “Cơ sở ở Thái Hà vẫn học bình thường, làm gì có chuyện hoạt động chui”.

“Nhưng giám đốc bên em lại thừa nhận, cơ sở này hiện không tồn tại”, tôi hỏi. Nhân viên này bối rối giải thích: “Chị đang học lớp nào ở bên em ạ? Hiện chúng em đang xin cấp giấy phép hoạt động ở cơ sở này và đang chờ cơ quan quản lý giải quyết”, nhân viên này cho biết.

Được biết trước đó, trung tâm này đã phát đến tay học viên lịch khai giảng dự kiến, trong đó có lớp khai giảng từ ngày 20/9/2018. Nghĩa là một tháng qua, trung tâm hoạt động trong khi chưa đủ cơ sở pháp lý.

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến chỉ có bằng kế toán nhưng vẫn đứng lớp dạy tiếng Anh để thu tiền và xúc phạm người học nghiêm trọng.

Bằng cấp: “Bổ sung sau cũng được”

Ngoài việc một số trung tâm đang hoạt động mập mờ trong việc cấp phép, một số người cũng phản ánh về chất lượng giáo viên ở các trung tâm ngoại ngữ hiện nay cũng là điều đáng bàn.

Một số trung tâm nhỏ, dễ dãi trong việc tuyển giáo viên nước ngoài nên có tình trạng thay đổi giáo viên liên tục hoặc chất lượng bằng cấp không đảm bảo. Khi phụ huynh yêu cầu cung cấp lí lịch trích ngang của giáo viên thì chỉ nhận được những thông tin sơ sài hoặc cho biết là “tuyệt mật”, không cung cấp được.

Mới đây trên một diễn đàn giáo dục, một phụ huynh chia sẻ thông tin về việc TT ngoại ngữ con mình đang học có tình trạng thay giáo viên “xoành xoạch” trong dịp hè vừa qua.

“Mình đang cho con học ở một trung tâm tiếng Anh uy tín trên phố Cầu Giấy với thời lượng mỗi tuần 2 buổi. Tuy nhiên, mới học được 5 buổi nhưng trung tâm liên tục thay giáo viên”, phụ huynh này cho hay.

Khi chị yêu cầu gửi thông tin hồ sơ cá nhân của giáo viên thì được gửi cho một bức ảnh, kèm với ít thông tin đơn giản về tên, tuổi, kinh nghiệm, sở thích và chứng chỉ đang có.

“Ít nhất họ cần được cung cấp thông tin sơ bộ của giáo viên lên website hoặc cung cấp đầy đủ hình ảnh bằng cấp khi học viên yêu cầu để người học yên tâm”, phụ huynh cho hay.

Khi phóng viên nhập vai một bà mẹ đến trung tâm này xin học cho con và đặt câu hỏi về việc thay giáo viên liên tục ở đây, một nhân viên cho biết, thường thì theo cam kết của trung tâm với học sinh, người học chỉ theo một giáo viên từ đầu đến cuối.

“Tuy nhiên, thú thật là trong giai đoạn tầm từ tháng 8 đến tháng 10, không hiểu ở các nước họ có kì nghỉ lễ hay gì mà giáo viên về nước một thời gian, từ khoảng nửa tháng đến một tháng theo hình thức thay phiên nhau nên có chuyện thay giáo viên liên tục.

Nhưng phụ huynh yên tâm, từ khoảng từ tháng 10 trở đi, giáo viên đã hoàn toàn ổn định”, nhân viên này trấn an chúng tôi.

Khi chúng tôi mong muốn được xem thông tin của giáo viên để quyết định học ở đây hay không, nhân viên trung tâm này cho hay, thông tin giáo viên là “tuyệt mật”, không thể cung cấp được.

Phản ánh của một phụ huynh trên diễn đàn về việc trung tâm thay giáo viên liên tục.

Để tìm hiểu thêm về quy trình nhận giáo viên ở một số trung tâm khác trên địa bàn, phóng viên vào vai người đi xin việc cho Michal, sinh năm 1993, cháu ruột và là người nước ngoài về định cư ở Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy quy trình nhận giáo viên sơ sài, qua loa. Thậm chí một số trung tâm nhỏ đăng quảng bá "trên trời" nhưng thực tế học chưa yêu cầu bằng cấp ngay, có thể “xuê xoa” cho ứng viên và bổ sung sau cũng được.

Lần theo tin tuyển dụng đăng trên mạng, chúng tôi tiếp cận Trung tâm Anh ngữ B.E, có địa chỉ ở Khu đô Thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai để xin việc cho Michal.

Theo quảng cáo trên website của trung tâm này, tất cả các giáo viên nước ngoài đều bắt buộc phải có đầy đủ giấy phép lao động và chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên lạc thì sự thực hoàn toàn không như vậy.

Chị Th., một đại diện của trung tâm cho hay, tùy theo năng lực nhưng nếu người đã từng đi dạy trẻ em, dù chưa có bằng cấp, có thể chỉ cần tham gia khóa đào tạo khoảng 1 tuần của trung tâm, ứng viên có thể vào dạy được ngay.

Khi chúng tôi cho rằng Michal không có bất cứ chứng chỉ gì bởi cháu đang học năm thứ 2 của ĐH Hà Nội. Chị Th. cho biết: “Bên em, hiện có 3 giáo viên nước ngoài. Tuy nhiên, tháng 11 tới, một người sẽ về nước và hai người còn lại hiện đang thuê ở các trung tâm xung quanh nên đúng là em đang cần giáo viên nước ngoài ngay.

Nếu Michal có bằng cấp được thì rất tốt nhưng nếu đã là giáo viên nước ngoài, ngoại ngữ đã tốt và có duyên đến với nhau thì càng hay. Còn vấn đề bằng cấp, cứ dạy và có thể bổ sung, hoàn thiện sau cũng được”. (?!)

Liên lạc với Trung tâm E.E, có địa chỉ tại Mê Linh, nhân viên tư vấn ở đây cũng cho hay, trung tâm này không quá câu nệ bằng cấp cao siêu, hoặc đã tốt nghiệp ĐH hay chưa. Michal có thể đến từ Cộng hòa Séc, miễn là người đó vượt qua được vòng phỏng vấn.

Thế nhưng trên website, đơn vị này lại quảng bá với những lời “có cánh” như, giáo viên chuyên nghiệp đến từ Anh, Mỹ, Úc… có chứng chỉ giảng dạy quốc tế như Tesol, Celta, từng dạy ở nhiều trường quốc tế trên thế giới.

“Ở đây không quan trọng hoặc gắt gao về bằng cấp của giáo viên nên rất thoải mái. Chị cứ cho cháu đến trung tâm đi, bạn ấy chỉ cần vượt qua được vòng phỏng vấn của trung tâm là được, chưa cần bằng cấp vội”, nhân viên này đon đả cho biết.

Chia sẻ thêm với tôi, Michal cho biết, mình vừa tốt nghiệp Trường ĐH Hà Nội và hiện đang là giáo viên một trung tâm ngoại ngữ. Em về Việt Nam đã 5 năm và có 4 năm liên tục chuyên đi dạy ở các trung tâm ngoại ngữ ở Hà Nội.

"Trong quá trình xin việc, em nhận thấy một số trung tâm lớn, có danh tiếng, thường yêu cầu gắt gao về chứng chỉ, bằng cấp như: Yêu cầu tốt nghiệp một Đại học nào đó ở nước sở tại, có chứng chỉ quốc tế như Tesol, Celta.

Tuy nhiên, ở các trung tâm nhỏ, em xin vào dạy rất dễ dàng và không hề đòi hỏi bằng cấp gì cả", Michal nói.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP