Du lịch

Ấn tượng nghi thức 'tam bộ ngũ thể nhập địa' ở Tây Tạng

Một người Tây Tạng trong đời ít nhất cũng phải bái lạy 100.000 lần và nghi thức bái lạy rất đặc trưng của người Tạng: tam bộ - ngũ thể - nhập địa.

Có lẽ không đâu trên thế giới, nghi thức bái lạy lại gây ấn tượng mạnh với du khách như khi đến Tây Tạng.

Dù đã được nghe nói trước đó nhưng khi tận mắt chứng kiến, một kẻ lữ hành từ nơi xa xôi như tôi khi đến vùng đất được gọi là "mái nhà thế giới" vẫn không tránh khỏi một cảm giác xúc động mãnh liệt.

Lần đầu tiên tôi được chứng kiến nghi thức này là hôm đến cung điện Potala - di sản văn hóa thế giới ở thủ phủ Lhasa của Tây Tạng.

Khi cơ thể còn đang tập thích nghi với độ cao trên 3.800m và không khí loãng, tôi đã phải dừng bước đột ngột chỉ để nhìn thật kỹ những người phụ nữ ngay góc phố đông người qua lại đang thực hiện nghi thức bái lạy "tam bộ - ngũ thể - nhập địa".

Sáng hôm ấy, ngay thềm bậc tam cấp của một công sở đã đóng cửa, họ lặng lẽ hướng về phía cung điện bên kia đường để thực hiện các nghi thức bái lạy với một sự tập trung cao độ và nghiêm cẩn.

Tam bộ (đi ba bước) để ngũ thể (chân, tay, ngực, trán...) một lần chạm xuống đất (nhập địa) lạy một lạy - một nghi thức vái lạy chỉ có riêng của người Tạng từ xa xưa và vẫn được duy trì đến hiện tại, bất chấp những sự thay đổi của không gian, thời gian, thời cuộc.

Trước mái hiên chùa, bên thềm tu viện, trước cung điện Potala, trên phố đi bộ quanh chùa Đại Chiêu, ngay góc ngã tư đông đúc ở thủ đô Lhasa của Tây Tạng, dưới dòng đường trên lối vào tu viện Tashilunpo hay trên dải đất lởm chởm đá bên cạnh con đường thiên lý dài vạn dặm, lề đường lởm khởm đá không thấy bóng người, chỉ có ôtô ngược xuôi, dưới cái nắng và trong tiết trời lạnh âm độ.

Họ bái lạy thành từng nhóm hoặc chỉ một mình. Bất kể đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, quần áo, găng tay, giày, guốc còn sạch sẽ hay đã lấm lem nhuộm bụi đường, mới tinh hay đã sờn vai.

Khuôn mặt còn sáng sủa hay đã ám đầy dấu vết những lần áp xuống mặt đất, lấm lem hoặc đầy sẹo!

Bất chấp nắng mưa, bất chấp cái nhìn tò mò của du khách, bất chấp quãng đường xa gần, bất chấp thời gian, thậm chí bất chấp cả sự nguy hiểm cho chính mạng sống của mình.

Họ đi một mình, hoặc thi thoảng có bạn đồng hành. Ngày đi, đêm nghỉ. Hành trang mang theo là một vật dụng bằng gỗ đeo vào tay để trượt trên đường dài, một tấm da bò Yak đeo trước ngực để tránh gió và sây sát, hai miếng cao su bịt ở đầu gối, mũi giày.

Những con người ấy chuyên tâm thành kính bái lạy trong yên lặng và nhẫn nại. Chỉ có tiếng cốp vang lên khi hai miếng gỗ lót hai bàn tay chạm nhau (hai chiếc guốc đeo trên đôi tay có tác dụng như hai bánh xe giữ cho da tay đỡ sây sát và dễ chuồi người về phía trước).

Nhiều người Tạng vẫn xem việc hành hương về kinh đô xưa Lhasa để nhìn nơi ở của Phật sống Đạt Lai Lạt Ma là chuyến đi của đời mình, dù mỗi chuyến hành hương vượt đường xa xôi hiểm trở trong khí hậu khắc nghiệt ấy có khi dài cả một năm trời.

Chính vì những chuyến đi dài như vậy, họ thường hay nhận được tiền bố thí của khách dọc đường, giúp họ trang trải thêm phần nào. Nhưng ngoài chuyện ăn uống kham khổ thiếu thốn, họ còn phải đối mặt với bao nhiêu khó nhọc, thậm chí hiểm nguy, kẻ xấu hãm hại.

Đã có không ít người đã bỏ xác trên hành trình hành hương bái lạy ấy. Với quan niệm cuộc sống là cõi tạm, người Tạng tin rằng những người ấy đã ra đi thanh thản vì họ đã đi một chuyến đi ý nghĩa của cả một đời người.

Kunchok, anh bạn hướng dẫn người Tạng của Offtrack Travel, cho tôi biết rằng một đời người Tây Tạng phải lạy đủ 100.000 cái mới tròn bổn phận với tín ngưỡng mình đang theo. Nhưng hầu như ai cũng lạy hơn thế cả.

Tôi tin điều đó. Bởi nhìn vào những nghi thức bái lạy mà người Tạng đang thực hiện, tôi cảm nhận được sự toát lên của mình niềm tin tâm linh lớn lao, mãnh liệt và không thể thay đổi, mà nhiều khi không cần phải nhìn vào mắt họ cũng có thể thấy.

Hình như với họ, niềm tin là thứ không thể mất đi, dìu dắt họ đi qua những thăng trầm của dân tộc mình.

Tác giả: LÊ MINH HẠ

Nguồn tin: tuoitre.vn

  Từ khóa: nghi thức ' , Tây Tạng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP