Thế giới

“Án binh bất động” sau thượng đỉnh với Mỹ, Triều Tiên đang tính toán điều gì?

Hơn 1 tháng sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Bình Nhưỡng dường như chưa có nhiều động thái cụ thể cho thấy họ đang thực hiện theo cam kết phi hạt nhân hóa. Các chuyên gia nhận định có nhiều hơn 1 lý do khiến Triều Tiên vẫn trong trạng thái “án binh bất động”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại Singapore hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters)

Ngày 12/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp thượng đỉnh lần đầu tiên tại Singapore. Hai nhà lãnh đạo đã thống nhất ký vào tuyên bố chung thể hiện quyết tâm về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, hơn 1 tháng sau sự kiện lịch sử, cam kết của Bình Nhưỡng dường như chưa có nhiều tiến triển.

Một tháng là khoảng thời gian quá ngắn để đánh giá một quá trình, nhưng việc Bình Nhưỡng tỏ ra “án binh bất động” dường như khiến Mỹ và giới quan sát băn khoăn rằng liệu Triều Tiên có đang nghiêm túc về phi hạt nhân hóa hay không.

Giới quan sát cho rằng chuyến thăm hồi đầu tháng 7 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho thấy Bình Nhưỡng đã có phần thay đổi thái độ. Khác với những lần thăm trước của ông Pompeo, ông Kim Jong-un không đích thân trao đổi, bàn bạc các kế hoạch chi tiết về tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân với nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ.

Các chuyên gia nhận định có ít nhất 2 lý do khiến Bình Nhưỡng dường như vẫn tỏ ra chưa nhiệt tình trong các cuộc đàm phán hậu thượng đỉnh Mỹ-Triều, vì họ có thể muốn kéo dài thời gian, hoặc đang giải quyết ý kiến đối lập trong nội bộ quốc gia.

Theo Korea Times, ông Kim có thể đang đối mặt với sự phản ứng mạnh mẽ từ các quan chức cấp cao Triều Tiên về việc từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân. Họ có thể gây ra áp lực khiến ông Trump sẽ giữ lại một phần kho vũ khí hạt nhân hoặc ít nhất là tạm hoãn quá trình phi hạt nhân hóa.

“Các cố vấn cấp cao của ông Kim có thể đang can thiệp để làm chậm quá trình”, ông Josephn DeTrani, cựu phái viên đặc biệt của Mỹ trong đàm phán 6 bên về vấn đề Triều Tiên, nhận định.

Sau chuyến thăm gần đây của ông Pompeo, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã chỉ trích thái độ khi đàm phán của Mỹ, cho rằng họ cảm thấy rất “đáng tiếc” và có thể suy nghĩ lại về cam kết hồi tháng 6. Ông DeTrani cho rằng những người phản bác phi hạt nhân hóa đang thuyết phục ông Kim không từ bỏ kho vũ khí hạt nhân để đổi lại việc đảm bảo an ninh, phát triển kinh tế và có thể là tiền đề cho việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

“Tôi cho rằng, ông Kim đang bàn bạc với các quan chức cấp dưới, những người không đồng tình với việc Triêu Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân mà họ đã dành hàng tỷ USD chế tạo và phát triển trong hàng chục năm qua”, ông DeTrani nhận định.

Tuy nhiên, nhà cựu ngoại giao trên cũng cảnh báo rằng nếu Triều Tiên đang cố tình muốn dùng thủ thuật, đó sẽ là một sai lầm. Nếu những cuộc đàm phán thất bại, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ đáp trả bằng những lệnh trừng phạt cứng rắn hơn nữa, nhằm gây áp lực mạnh tối đa lên Bình Nhưỡng.

Chiến lược “câu giờ”?

Theo Korea Times, thái độ thờ ơ của Triều Tiên có thể do họ đang tính “câu giờ” nhằm làm giảm nhiệt nỗ lực phi hạt nhân của Tổng thống Trump. Đây được coi là chiến thuật quen thuộc của Triều Tiên từ trước tới nay.

Trong quá khứ, các thỏa thuận với Triều Tiên đã từng không thể thực hiện được bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có việc Bình Nhưỡng tỏ ra chần chừ trong việc thực hiện những động thái chủ chốt nhằm đảm bảo phi hạt nhân hóa.

Sau hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6, Washington đã đưa ra một tiến trình cụ thể về các bước tiến hành phi hạt nhân hóa Triều Tiên, tuy nhiên phía Bình Nhưỡng lại không đưa ra bản kế hoạch hành động, cũng như trì hoãn việc công bố danh sách các cơ sở và bãi thử vũ khí hạt nhân.

Theo các chuyên gia, chiến lược trì hoãn của Bình Nhưỡng dường như đã có hiệu quả.

Trong bài phỏng vấn ngày 17/7, ông Trump nói Mỹ sẽ không vội vã buộc Triều Tiên phải đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa, trong khi trước đó chính ông chủ Nhà Trắng muốn Bình Nhưỡng phải tiến hành việc này ngay lập tức.

“Chúng tôi không đặt ra giới hạn về thời gian. Chúng tôi cũng không đặt ra giới hạn về tốc độ. Chúng tôi vừa mới thực thi tiến trình”, ông Trump nói.

Nhận định về sự thay đổi trong quan điểm này, các chuyên gia cho rằng ông Trump dường như vẫn còn niềm tin vào ông Kim Jong-un và đang nỗ lực để những cuộc đàm phán không bị hủy bỏ.

Việc Triều Tiên bỏ họp với phái đoàn Mỹ để bàn bạc về việc trao trả hài cốt quân nhân tử trận trong cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1953 được giới quan sát coi là một ví dụ cho việc Triều Tiên đang trì hoãn để có thể thương lượng được kết quả tốt nhất.

Ông Liang Tuang Nah, chuyên gia tại viện nghiên cứu quốc phòng và chiến lược (Singapore), cho biết ông Kim Jong-un dường như muốn Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và đảm bảo an ninh cho chế độ Bình Nhưỡng trong khi Triều Tiên sẽ tiến hành từ bỏ hạt nhân chậm nhất có thể.

Ông Liang nhận định rằng ông Kim có thể đang chịu áp lực từ nhiều phía do chương trình vũ khí và tên lửa hạt nhân được coi là công cụ đảm bảo an ninh cho nước này trong nhiều năm qua.

“Ông Kim sẽ phải thương lượng được thỏa thuận tốt nhất có thể trong khi phải đảm bảo Trung Quốc sẽ vẫn ủng hộ Triều Tiên trong tương lai”, ông Liang nói.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP