Du lịch

5 đặc sản phải thử khi đi miền Tây mùa nước nổi

Bạn không nên bỏ qua món lẩu cá linh bông điên điển hay bông súng kho mắm khi có dịp về miền Tây những ngày này.

Nếu có dịp về các tỉnh miền Tây, bạn đừng quên thử các món ăn dân dã mà hương vị khó quên dưới đây:

Lẩu cá linh bông điên điển

Đây là một những đặc sản luôn được người miền Tây mang ra mời khách mỗi khi mùa nước nổi về. Lũ bắt đầu dâng, cá từ thượng nguồn xuôi về, lên đồng để đẻ là lúc báo hiệu mùa cá linh. Tuỳ theo từng vùng mà cá linh được người dân nấu bằng nhiều cách khác nhau.

Khi lẩu sôi sẽ toả hương thơm thoang thoảng. Ảnh: Tiêu Phong.

Cạnh bên nồi nước lẩu toả khói là đĩa cá linh tươi roi rói, đĩa bông điên điển vàng rực, kèm theo đó là các loại rau khác như rau muống, rau nhút... Cá linh dễ chín nên ăn lúc nào khách cho vào lúc đó để hương vị được ngon hơn. Ăn kèm với lẩu cá là bún tươi hoặc cơm trắng, và không thể thiếu chén nước mắm ớt để chấm.

Bánh xèo bông điên điển

Điên điển là loài hoa đặc trưng cho mùa nước nổi ở miền Tây. Vì vậy nhiều người tận dụng nguyên liệu này để tạo ra nhiều món ăn níu chân khách. Trong số đó không thể không kể đến món bánh xèo bông điên điển.

Bánh xèo bông điên điển. Ảnh: Tiến Hùng.

Bột làm vỏ bánh phổ biến là bột gạo pha với nước cốt dừa cho loãng, thêm chút bột nghệ cho bánh được vàng và thơm. Nhân bánh gồm thịt heo xắt miếng nhỏ, ướp gia vị xào cùng bông điên điển có vị giòn ngọt.

Món ăn đem lại cho thực khách nhiều hương vị nhưng lại hài hòa. Bạn sẽ cảm nhận được chút chua cay của nước chấm, ngọt của tôm thịt, giòn giòn của vỏ bánh, bông điên điển và bùi thơm của mỡ hành. Ăn kèm với bánh xèo là các loại rau như: đọt bằng lăng, đọt xoài, đọt điều, lá mơ...

Chuột nướng lu

Chuột nướng lu. Ảnh: Thanh Tuyết.

Chuột là món nhiều người không dám thử. Tuy nhiên, thịt chuột đồng lại được nhiều người từng ăn đánh giá là thơm ngon, có vị khác lạ. Về miền Tây, chuột nướng lu là món nổi tiếng. Những con chuột béo múp sau khi làm sạch, sơ chế rồi tẩm ướp các loại gia vị như muối ớt, sả... Kế đến, đầu bếp sẽ móc từng con vào lu. Sự thành công ở món ăn nằm ở khâu nướng, đầu bếp phải liên tục quay và trở tay cho thịt chín đều, thêm mỡ, nước gia vị. Thịt chuột khi chín tới toả mùi thơm nức, mềm và da rất giòn.

Cá linh, cá bống dừa kho tiêu

Cá linh kho tiêu. Ảnh: Thanh Tuyết.

Khi con nước dâng, lưới của người dân miền Tây lại bội thu hơn. Cá linh, cá bống dừa được bày bán nhiều ở các chợ. Những con cá đem kho tiêu vị hơi mặn một chút thích hợp cho bữa cơm chính. Cá phải được kho trong tộ hoặc nồi đất, trên lửa liu riu mới ngon. Bữa cơm dân dã không thể thiếu đĩa rau sống ăn kèm.

Gỏi sầu đâu khô cá sặc

Gỏi sầu đâu cá sặc. Ảnh: Hà Lâm.

Gỏi sầu đâu là món ăn của người Campuchia du nhập vào các tỉnh biên giới như An Giang, Kiên Giang và trở thành món ăn của nhiều gia đình miền Tây. Hoa và lá non của cây sầu đâu được dùng để làm gỏi, chúng có vị đắng nên thường được trụng qua nhằm giảm vị.

Trong số các món ăn từ cây sầu đâu phải kể đến gỏi khô cá sặc. Những con khô được nướng rồi xé nhỏ. Nguyên liệu còn có thịt heo luộc cắt miếng, dưa leo bào mỏng. Người thích ăn cay có thể yêu cầu gia giảm ớt trái.

Sau khi nguyên liệu được chuẩn bị xong, đầu bếp sẽ trộn tất cả với nhau cùng nước mắm ớt tỏi pha chua ngọt. Món gỏi sẽ mất ngon nếu thiếu đi chén nước mắm me chua ngọt để chấm cùng.

Tác giả: Di Vỹ

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: đặc sản , miền Tây

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP